Linh hoạt để... giữ trò

Hà Thuận | 15/05/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lai Châu đã linh hoạt vận dụng những chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho người dân ở địa bàn đặc biệt khó khăn tiếp tục cho con em theo học.

Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ giảm dần qua từng năm để hướng tới người dân “cai” dần chính sách.

Ứng phó kịp thời

Trong những năm qua, nhiều chính sách hướng tới nhóm đối tượng học sinh nhất là trẻ em, con em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo đã được triển khai. Những chính sách này đã nhận được sự đồng tình của chính quyền các cấp và người dân trên địa bàn Lai Châu. Qua đó, tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp tục cho con em theo học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.

NGƯT Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu cho biết: “Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612 của Ủy ban Dân tộc có hiệu lực đã tác động rất lớn đến chính sách hỗ trợ học sinh, nhất là các xã khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Con em họ không còn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước”.

Trong khi đó, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn nên không có khả năng hoặc đóng góp không đủ để tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường. Sự thay đổi ấy đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện các chỉ tiêu về giáo dục theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và kế hoạch của địa phương. Cùng với đó, mục tiêu giữ vững phổ cập, xóa mù chữ có nguy cơ mất chuẩn.

Trước tình hình đó, ngành GD&ĐT Lai Châu đã tiến hành rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, tác động của chính sách tới việc nuôi dưỡng giáo dục trẻ em, duy trì sĩ số học sinh phổ thông. Trên cơ sở đó, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết và trình Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua.

Trong bối cảnh ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn, năm 2022 UBND tỉnh Lai Châu đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 04 quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh ở bán trú tại các xã, thôn, bản khu vực III chuyển thành khu vực I (Nghị quyết 04).

Linh hoạt để... giữ trò ảnh 1

Ông Đinh Trung Tuấn (Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu).

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 04, ngành GD&ĐT huyện Tam Đường đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch và phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể xã tổ chức thực hiện đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định. Công tác quản lý tài chính được các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ, đảm bảo đầy đủ các chế độ của học sinh. Công tác nuôi dưỡng học sinh tương đối đảm bảo. Khẩu phần hàng ngày đủ chất dinh dưỡng. Nhờ đó đã duy trì tốt tỷ lệ học sinh bán trú và tỷ lệ chuyên cần so với năm đầu bị cắt giảm chế độ hỗ trợ tiền ăn bán trú theo Nghị định 116.

Năm học 2022 - 2023, huyện Tam Đường có trên 750 học sinh các cấp học Mầm non, Tiểu học và THCS hưởng chế độ bán trú theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Năm học 2022 – 2023, học sinh ở xa trường, từ vùng III về vùng I sẽ được hưởng 30% mức lương cơ bản (447.000 đồng/tháng). Với mức hỗ trợ trên cùng sự đóng góp thêm gạo, củi của gia đình nên việc huy động học sinh bán trú được thuận lợi hơn”.

Trường Mầm non Bản Bo có 9 điểm trường, 19 nhóm lớp với 399 trẻ. Trẻ đến trường được học 2 buổi ngày. Tất cả số trẻ được ăn và hưởng chế độ theo Nghị quyết 04 với mức hỗ trợ 10% lương cơ bản. Nhà trường có 1 bếp nấu với cơ sở vật chất đảm bảo theo quy trình một chiều. Cùng với đó, có đầy đủ đồ dùng cho công tác nấu ăn bán trú như: Tủ cơm điện, nồi cơm điện, bếp ga, tủ lưu mẫu thực phẩm, tủ đựng dụng cụ và các đồ dùng bán trú đảm bảo chế biến, chia thực phẩm từ trung tâm đi các điểm lẻ.

Anh Hạng A Sỉ, bản Cò Lọt Mông (xã Bản Bo) tâm sự: “Tôi có con học ở Trường Mầm non Bản Bo. Được hỗ trợ tiền ăn nên gia đình không phải mất tiền, không mất thời gian đón con về nhà ăn trưa”. Cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Chính sách hỗ trợ tiền ăn bán trú cho trẻ đã giúp nhà trường duy trì được tỷ lệ chuyên cần. Tôi mong muốn sẽ có chế độ hỗ trợ tiền ăn cho nhóm trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi”.

“Nghị quyết 04 là chính sách tốt để ngành duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Qua triển khai hỗ trợ năm học đầu tiên đã góp phần duy trì tỷ lệ học sinh bán trú đạt 100%, tỷ lệ chuyên cần đạt trên 95%” – bà Nguyễn Thị Thủy nói.

Linh hoạt để... giữ trò ảnh 2

Bữa cơm bán trú của học sinh Trường THCS Bản Bo, huyện Tam Đường.

Xóa bỏ tư tưởng “trông chờ”...

Năm học 2022 - 2023, Trường THCS Bản Bo, huyện Tam Đường có 416 học sinh với 12 lớp. Trong đó, có 105 em được hỗ trợ tiền ăn bán trú theo Nghị Quyết 04.

Song song với việc đổi mới phương pháp dạy và học phù hợp, đảm bảo việc đổi mới Chương trình GDPT năm 2018, nhà trường đã chú trọng đến công tác nuôi dưỡng bán trú. Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục đạo đức lối sống và nâng kỹ năng sống cho trò. Trường cũng đa dạng hóa các hoạt động thu hút học sinh đến trường.

Cô giáo Nguyễn Thị The, Hiệu trưởng Trường THCS Bản Bo chia sẻ: “Sau khi có Nghị quyết 04 hỗ trợ tiền ăn bán trú cho học sinh ở bản xa trung tâm, nhà trường đã tổ chức triển khai đúng đối tượng thụ hưởng. Nhờ có tiền hỗ trợ ăn bán trú nên trường luôn duy trì sĩ số ở bán trú và tỷ lệ chuyên cần”.

Em Hà Thị Phúc, lớp 8A3, Trường THCS Bản Bo chia sẻ: “Sau khi không được hưởng chế độ của Nhà nước, gia đình em phải chu cấp tiền, gạo, củi để em được ở bán trú tại trường. Đến năm học 2022 – 2023, chúng em được hỗ trợ ăn bán trú nên gia đình không phải chi tiền mà chỉ đóng góp thêm gạo, củi. Chúng em ở trường được thầy cô nấu ăn đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng nên cũng yên tâm học hành”.

Linh hoạt để... giữ trò ảnh 3

Chuẩn bị bữa ăn cho học sinh bán trú Trường Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ.

“Nhà trường tiếp tục thực hiện ‘6 hơn’ cho học sinh (an toàn hơn – vui hơn – ăn ngon hơn – chơi tốt hơn – lao động và rèn luyện kỹ năng sống tốt hơn - ở và học tập tốt hơn). Thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, đã duy trì tỷ lệ chuyên cần học sinh bán trú đạt từ 92% trở lên. 100% học sinh nắm được các kỹ năng sống cơ bản” - cô Nguyễn Thị The cho biết thêm.

Theo cô The, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể trong việc huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất. Bên cạnh đó còn tuyên truyền về giáo dục và huy động học sinh ra lớp. Tuyên truyền, vận động phụ huynh ủng hộ chủ trương của nhà trường, ngành và địa phương trong thực hiện chính sách hỗ trợ.

Trên tinh thần Nghị quyết 04, tỉnh Lai Châu dùng ngân sách địa phương hàng năm chi cho sự nghiệp GD&ĐT hỗ trợ tiền ăn bán trú cho học sinh tiểu học, THCS, THPT trong 3 năm học. Theo đó, năm học 2022 – 2023, mỗi tháng, học sinh sẽ được hỗ trợ bằng 30% mức lương cơ sở. Trong 2 năm tiếp theo sẽ lần lượt giảm 10% tiền hỗ trợ theo mức lương cơ sở. Việc hỗ trợ tính theo thời gian thực học, không quá 9 tháng/năm.

Lý giải nguyên nhân giảm dần hỗ trợ qua các năm, NGƯT Đinh Trung Tuấn cho biết: “Hiện vẫn còn nhiều người dân thường hay trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Việc tỉnh hỗ trợ tiền ăn bán trú và giảm dần qua các năm là để người dân làm quen với chính sách hiện hành, hướng tới cắt hẳn nguồn hỗ trợ. Qua đó, người dân từng bước hiểu được chính sách và đồng hành với toàn ngành trong quá trình triển khai thực hiện.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Lai Châu, Sở GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn để triển khai thực hiện chính sách thống nhất trên địa bàn tỉnh” - NGƯT Đinh Trung Tuấn chia sẻ.

Sở GD&ĐT Lai Châu đã triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp để đảm bảo duy trì sĩ số ở các địa bàn chịu ảnh hưởng. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân cho con em đi học. Cùng với đó, Sở chỉ đạo các đơn vị tiếp tục duy trì công tác bán trú trở về mô hình trường bán trú dân nuôi, hoạt động theo hình thức xã hội hóa như: Gia đình học sinh góp tiền, gạo, củi và cán bộ, giáo viên trồng rau, nấu cơm nuôi dưỡng học sinh. - Ông Đinh Trung Tuấn (Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu)

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Linh hoạt để... giữ trò