Linh hoạt với đề minh họa

03/01/2024, 14:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đúng 1 tháng sau ban hành phương án thi, Bộ GD&ĐT đã công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Bộ GD&ĐT cũng công bố đề minh họa cho cấu trúc định dạng này.

Thời gian công bố được đánh giá kịp thời, đáp ứng mong mỏi của các nhà trường để định hướng quá trình dạy học, ôn tập. 2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 nên việc biết cách ra đề thế nào; cấu trúc gồm mấy phần, có những dạng thức câu hỏi trắc nghiệm, thành phần năng lực nào được đánh giá trong đề… vô cùng quan trọng.

Thông tin từ Bộ GD&ĐT, đề minh họa theo cấu trúc định dạng mới của 17 môn học được thử nghiệm tại Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Nguyên với khoảng 5 nghìn học sinh. Trên cơ sở phân tích kết quả thử nghiệm, Bộ GD&ĐT mời chuyên gia là tác giả Chương trình GDPT 2018, tác giả sách giáo khoa, giảng viên và giáo viên có nhiều kinh nghiệm làm việc tập trung để hoàn thiện cấu trúc định dạng đề thi cùng đề minh họa để công bố.

Điểm mới nổi bật trong minh họa cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là thêm hai dạng thức trắc nghiệm mới (câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai, trả lời ngắn), ngoài dạng thức truyền thống là câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Nhiều ý kiến đánh giá, đổi mới này phù hợp với việc thiết kế đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, nâng cao khả năng phân loại thí sinh, hạn chế được việc dùng “mẹo” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Về số câu hỏi trong đề, trừ Toán và Ngoại ngữ, các môn còn lại giữ nguyên số lượng 40 câu. Môn Toán, số lượng câu hỏi/lệnh hỏi giảm từ 50 (như trong đề thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình 2006) xuống còn 34. Lý do, đề có thêm dạng thức câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn đòi hỏi học sinh phải tư duy như hình thức tự luận; kiểm tra tư duy năng lực toán học ở mức cao hơn nên học sinh cần dành nhiều thời gian để có thể trả lời. Môn Ngoại ngữ, số lượng câu hỏi/lệnh hỏi giảm từ 50 xuống còn 40 bởi thời gian tổ chức thi môn này giảm để bảo đảm công tác tổ chức thi các môn tự chọn (cần có thời gian làm bài như nhau).

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các nhà trường đã nhanh chóng hội ý để đưa ra kế hoạch dạy học, ôn tập nhằm chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, tổ bộ môn, giáo viên nghiên cứu đề minh họa; xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết dựa trên định hướng về cấu trúc và nội dung của đề minh hoạ; bám sát bảng đặc tả, mô tả, xây dựng ma trận đề phù hợp cho các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ của học kỳ II.

Mỗi giáo viên tự xây dựng kế hoạch của cá nhân áp dụng cho lớp mình giảng dạy; có định hướng, phân loại học sinh, từng bước nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu của đổi mới kiểm tra, đánh giá…

Việc áp dụng đề minh họa là cần thiết, nhưng cần linh hoạt, tránh dạy và học rập khuôn, máy móc, không để mất đi tính chủ động, sáng tạo, không đúng với quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Nhiều giáo viên có kinh nghiệm cho rằng, tuyệt đối tránh dựa vào nội dung từng câu của đề minh họa và chỉ ôn tập vào các dạng đó.

Để giúp học sinh học tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thầy cô cần mở rộng phạm vi đề tài, coi khung chương trình và mục tiêu cần đạt của chương trình là cơ sở cho hoạt động dạy - học - kiểm tra. Với học sinh, cần chuẩn bị kiến thức vững vàng, không nên nhìn vào độ khó dễ của đề minh họa mà chủ quan trong quá trình học, ôn tập.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Linh hoạt với đề minh họa