Mùa quả na rừng thường từ tháng 7 đến tháng 11. Quả tập hợp gần như hình cầu, có màu đỏ hoặc tím sẫm. Na rừng khi chín có vị ngọt và thơm, hương vị độc đáo, giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin C, E, axit amin và các nguyên tố vi lượng. Thịt quả na rừng nhiều cùi, màu trắng đục, vị thơm ngon tinh tế, là loại trái cây dân dã được nhiều người yêu thích.
Trong y học cổ truyền, na rừng còn được gọi là “hắc lão hổ”, dùng làm thuốc có công dụng thanh nhiệt giải độc, khử phong, hoạt lạc, điều khí, chỉ thống, thanh can minh mục, ích thận cố tinh, bổ huyết, dưỡng nhan. Na rừng được sử dụng để chữa di tinh, tiểu đêm, mất ngủ, ho mãn tính, bệnh viêm dạ dày mãn tính, bệnh viêm loét dạ dày ruột, viêm khớp, vết bầm tím, sưng đau, đau bụng kinh và ứ huyết sau sinh.
Ngoài sử dụng quả tươi, na rừng (quả, rễ) còn dùng để ngâm rượu. Theo y học bản địa dân tộc H’Mông nước ta, rượu na rừng hay gọi là rượu Tứn khửn, có tác dụng tốt cho đàn ông và được coi là “thần dược phòng the”. Theo y học cổ truyền, chức năng sinh dục cũng như vấn đề về sinh dục như rối loạn cương dương hay dương sự bất cử, xuất tinh sớm, di tinh, mộng tinh đều liên quan đến tạng thận. Na rừng có tác dụng ích thận cố tinh, nên được dùng để tăng cường sinh lý nam giới. Những tác dụng khác của na rừng cũng giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.
TS.Lương Y Phùng Tuấn Giang lưu ý, với việc sử dụng rượu ngâm để bổ dương, tăng cường sinh lý không đúng cách có thể gây nhiều nguy cơ. Bản thân rượu cũng là chất kích thích làm tăng nguy cơ dẫn đến rối loạn cương dương, chưa kể loại rượu sử dụng có lẫn các thành phần nào khác nữa hay không? Nồng độ dược liệu trong rượu có quá đậm đặc không? Lượng rượu sử dụng có quá nhiều hay không?
“Nếu có vấn đề về sinh lý nam giới, người bệnh cần được thăm khám cẩn thận và được thầy thuốc tư vấn về phương pháp điều trị, bổ sung đúng cách các loại dược liệu, thực phẩm cũng như những thứ cần phải kiêng kỵ”, chuyên gia khuyến cáo.