Loạt dự án giao thông trọng điểm ở TP.HCM 'nằm chờ' vì thiếu vốn

Đình Nguyên | 05/06/2023, 15:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Khi cơ chế, chính sách đặc thù mới cho TP.HCM được thông qua, nhiều dự án giao thông trọng điểm đói vốn, ngưng triển khai nhiều năm sẽ được tái khởi động theo hình thức BOT, BT.

Chờ cơ chế mới được "bật đèn xanh"

Nếu dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, hàng loạt dự án giao thông cấp bách, trọng điểm sẽ được triển khai, tạo ra sự đột phá mới cho thành phố.

Theo đó, dự thảo nghị quyết nêu rõ, tại điểm c khoản 5 Điều 4, TP.HCM được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng năng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư và phương án tài chỉnh sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn, TP.HCM được tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, nếu TP.HCM triển khai dự án BOT trên đường hiện hữu rất dễ xảy ra xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư dự án với người dân sử dụng tuyến đường. Thay vào đó, TP.HCM nên thực hiện dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu theo hợp đồng BT, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thanh toán cho nhà đầu tư.

Các chuyên gia giao thông thì nhận định, BOT hình thức quan trọng thu hút vốn tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông. Việc áp dụng cho các tuyến đường hiện hữu cần có giải pháp quản lý chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả đầu tư, hài hoà lợi ích của người dân.

Trong khi với hợp đồng BT, tại điểm d khoản 5 Điều 4 dự thảo nghị quyết quy định TP.HCM được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT; quyết định sử dụng vốn ngân sách thành phố và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hàng năm để thanh toàn cho nhà đầu tư căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong hợp đồng

UBND TP.HCM cho biết, trước khi Luật PPP được ban hành, thành phố đã triển khai các dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất như dự án xây dựng đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ, dự án xây dựng đường D3 kết nối và cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2... Hợp đồng BT thanh toán bằng tiền như cầu Kênh Tẻ 2, cầu Ông Lãnh, cầu Văn Thánh 2, cầu Nguyễn Tri Phương, dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2.

Thực tiễn triển khai cho thấy, các dự án được áp dụng hình thức hợp đồng BT có thể triển khai đầu tư ngay trong giai đoạn 2023-2025. Do đó, việc đề xuất thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo hợp đồng BT sẽ tăng khả năng huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội trong khi ngân sách còn chưa đáp ứng.

Việc thanh toán bằng tiền sẽ thuận lợi hơn thanh toán bằng quỹ đất do thanh toán bằng quỹ đất chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật liên quan (Luật Đất đai, Quản lý tài sản công, Đầu tư...) và cần tiếp tục nghiên cứu có các giải pháp hạn chế các tồn tại của mô hình thanh toán theo hợp đồng BT bằng đất trước đây.

Trước mắt, dự thảo nghị quyết quy định thí điểm thanh toán hợp đồng BT bằng tiền. Để đảm bảo chặt chẽ, không gây thất thoát ngân sách Nhà nước, dự thảo quy định việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án BT được thực hiện sau khi thiết kế xây dựng triển khai, sau khi thiết kế cơ sở được phê duyệt và giao Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án.

Theo Nhà đầu tư
https://nhadautu.vn/loat-du-an-giao-thong-trong-diem-o-tphcm-nam-cho-vi-thieu-von-d77053.html
Copy Link
https://nhadautu.vn/loat-du-an-giao-thong-trong-diem-o-tphcm-nam-cho-vi-thieu-von-d77053.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loạt dự án giao thông trọng điểm ở TP.HCM 'nằm chờ' vì thiếu vốn