Đồng thời, địa phương này cũng đang thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tân Hòa; dự kiến sẽ phê duyệt quy hoạch KCN này ngay sau khi Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (dự kiến phê duyệt trong tháng 8 năm 2023).
Định hướng phát triển công nghiệp xanh
Để tăng hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 1748/QĐ-UBND, về quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào KCN trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN phải đáp ứng 4 tiêu chí: Vốn sở hữu thực hiện dự án tối thiểu từ 15% so với tổng mức đầu tư dự án; nhà đầu tư triển khai ít nhất 1 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng KCN một trong các địa phương: Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hải Phòng, TP. Hà Nội và TP. HCM với tỷ lệ lấp đầy 60% trở lên.
Các dự án KCN phải có khả năng thu hút nhà đầu tư thứ cấp phù hợp quy hoạch ngành nghề theo danh mục quy hoạch ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN gồm các ngành, lĩnh vực công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất thiết bị điện; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy công cụ, máy móc, thiết bị, phụ tùng, máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, máy chế biến thực phẩm, thiết bị tưới tiêu; sản xuất, chế biến sản phẩm từ lương thực, thực phẩm; chế biến thức ăn chăn nuôi và thức ăn nuôi trồng thủy sản; sản xuất sản phẩm đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ uống; công nghệ chế biến, chế tạo khác; ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp; sản xuất, lắp ráp xe máy, ô tô và các ngành cơ khí khác; dịch vụ hậu cần logistics…
Đối với nhà đầu tư thứ cấp đăng ký thực hiện dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang phải đáp ứng 5 tiêu chí bao gồm: vốn sở hữu của nhà đầu tư thực hiện dự án tối thiểu từ 20% (đối với dự án diện tích dưới 20ha) và 15% (đối với dự án có diện tích từ 20ha trở lên) so với tổng mức đầu tư dự án. Dự án đầu tư có đóng góp vào ngân sách tỉnh từ 10 tỷ đồng/năm/ha sau thời gian ưu đãi thuế (ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư đóng góp cao nhất và sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương từ 70% trở lên). Suất đầu tư dự án từ 50 tỷ đồng/ha trở lên (trừ ngành kho bãi). Dự án đầu tư có phương án quản lý, bảo vệ môi trường khả thi và thân thiện môi trường. Ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, sử dụng lao động có tay nghề cao (ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương).
Được chia tách từ tỉnh Cần Thơ, tái lập tỉnh vào năm 2004, từ một tỉnh thuần nông, tỉnh Hậu Giang đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, phát triển trên 4 trụ cột là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Hậu Giang đạt 14,21%, đây là lần đầu tiên kể từ khi tái lập tỉnh, Hậu Giang vươn lên dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng.