Thận trọng kế hoạch lợi nhuận
Theo tài liệu đại hội cổ đông năm 2023, Techcombank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm 14% so với năm trước, xuống còn 22.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đến cuối năm nay ước đạt 511.297 tỷ đồng; tăng trưởng 15% hoặc cao hơn theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. Tỷ lệ nợ nhóm 3-5 thấp hơn 1,5%, tương đương kế hoạch năm trước. Năm 2022, tỷ lệ này ở Techcombank là 0,72%, tăng so với năm 2021 (0,66%).
Tại đại hội cổ đông sắp tới, Techcombank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Hội đồng quản trị, ban lãnh đạo Techcombank nêu hàng loạt khó khăn về tình hình vĩ mô, các lĩnh vực liên quan. Cụ thể, theo Techcombank, 2 tháng đầu năm, thanh khoản thị trường đã có dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên, ngay cả với sự can thiệp của Chính phủ, lãi suất vẫn còn ở mức cao. Tín dụng và huy động đều tăng trưởng rất thấp trong 2 tháng đầu năm. Chỉ khi lãi suất giảm ở cả hai đầu, nhu cầu tín dụng mới có thể phục hồi tích cực.
Lĩnh vực bất động sản kém sôi động, giao dịch tiếp tục trầm lắng trong 2 tháng đầu năm, dẫn tới rủi ro tiềm ẩn nợ xấu của các chủ đầu tư, ngành liên quan.
Nhu cầu đối với thị trường trái phiếu tiếp tục ở mức thấp. Nhiều nhà đầu tư do dự không muốn chuyển tài sản từ tiền gửi ngân hàng được hưởng lãi suất cao sang các loại tài sản khác như trái phiếu, quỹ và cổ phiếu. Với sự can thiệp của chính phủ, Nghị định 08 được kỳ vọng sẽ bắt đầu phục hồi tích cực khi lãi suất và môi trường vĩ mô nói chung ổn định hơn.
Về mặt kinh doanh, Techcombank cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở rộng tệp khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phạm vi khẩu vị rủi ro của ngân hàng. Để tăng nguồn thu từ phí ngoài hoạt động ngân hàng đầu tư bị ảnh hưởng khá nhiều từ biến động của thị trường trái phiếu, cổ phiếu, Techcombank cho biết sẽ tiếp tục tập trung triển khai gia tăng dịch vụ thẻ, bảo hiểm, ngoại hối, quản lý tiền mặt, quản lý tài chính doanh nghiệp.
Năm 2023, dù kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn hơn, nhưng ngân hàng thù lao của hội đồng quản trị, ban kiểm soát của Techcombank dự kiến tăng. Ngân sách cho thù lao cố định của lãnh đạo Techcombank năm nay là 38,8 tỷ đồng, cao hơn số thực hiện của năm 2022 là 35,3 tỷ đồng.
Techcombank tiếp tục không chia cổ. Năm 2022, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại có thể phân phối là gần 23.539 tỷ đồng. Ngân hàng đề xuất duy trì số tiền này dưới dạng lợi nhuận không chia nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Lợi nhuận ngân hàng phân hóa
Theo số liệu từ FiinTrade, năm 2023, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng có sự phân hóa lớn. Đối với 3 ngân hàng có vốn nhà nước, Vietcombank là nhà băng đầu tiên công bố kế hoạch kinh doanh 2023 với dự kiến lợi nhuận sau thuế 2023 tăng 12%. Đây là kế hoạch kinh doanh khá an toàn khi VCB có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong năm 2022 và chất lượng tài sản tốt hơn so với mặt bằng chung. BIDV và VietinBank chưa công bố kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Với nhóm cổ phần tư nhân, nhiều ngân hàng quy mô nhỏ đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với năm 2022, bao gồm Eximbank (+35.8%), OCB (+36.8%) và VietBank (+48.6%) với kỳ vọng vào đẩy mạnh hoạt động cho vay.
Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay cá nhân cao dự kiến lợi nhuận sau thuế tăng thấp hơn, bao gồm VPBank (+13.5%), TPBank (+11.2%) và MBBank (+15%).
Ngoài ra, trong tuần 3-11/4, một số doanh nghiệp niêm yết đã được đại hội cổ đông thông qua. Dữ liệu của FiinTrade, 10/15 doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng so với năm trước. Trong đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDS) đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 216,6 tỷ đồng, tăng 288% so với năm. Kế hoạch khá tham vọng so với bức tranh kinh doanh năm 2022, báo lỗ 100 tỷ đồng.