Không bục giảng, không tiếng trống trường, lớp học của cô Trần Thị Thu Thủy chỉ có bảng cũ, vài cuốn vở và những ánh mắt trẻ thơ.
Hai năm qua, vào mỗi dịp hè hay những ngày cuối tuần, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Kon Tum, Quảng Ngãi) Trần Thị Thu Thuỷ lại rời bục giảng quen thuộc đến với Cô nhi viện Vinh Sơn 2 dạy chữ cho những đứa trẻ kém may mắn.
Lớp học nhỏ nằm nép mình trong khuôn viên cô nhi viện. Trước mỗi buổi học, cô Thủy mang theo những món quà giản dị như vài quyển vở, gói mì tôm… phát cho từng em. Lũ trẻ ôm chồng vở mới, ánh mắt rạng rỡ, nụ cười thơ ngây khiến khoảng sân vốn tĩnh lặng bỗng bừng sáng.
Buổi học hôm ấy, cô Thủy dạy các em lớp 3 và 4 bài tiếng Việt “Ông Mặt trời”. Những nét chữ tuy chưa tròn trịa, nhưng gọn gàng và sạch sẽ. Khi có em viết sai, cô nhẹ nhàng giải thích: “Vì sao phải viết hoa chữ ‘Mặt trời’? Vì đây là danh từ riêng”. Trò hiểu bài, cả lớp lại vỗ tay rộn ràng như một cách động viên lẫn nhau. Ở phần bảng còn lại, cô ghi một phép Toán chia. Có em vò đầu, bứt tai. Cô Thủy lại xoa đầu, mỉm cười và hướng dẫn từng bước một.
Đặc biệt, buổi học hôm ấy còn có sự góp mặt của em Trần Anh Thư – con gái cô Thủy, vừa tốt nghiệp Trường Đại học Kiểm sát (Hà Nội). Trong lúc chờ nhận việc, Thư cùng mẹ đến cô nhi viện để chia sẻ yêu thương.
Với kinh nghiệm từng tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh” ở các xã vùng khó Quảng Ngãi, Thư mang đến những bài học tiếng Anh sinh động qua âm nhạc, trò chơi, chủ đề từ vựng về động vật, cây cối… khiến lớp học trở nên rộn ràng, hứng khởi.
“Các em nơi đây tuy siêng năng nhưng rất dễ quên kiến thức, nhất là tiếng Anh. Nếu nghỉ hè không ôn tập, vào năm học mới rất khó bắt nhịp. Em chỉ mong góp chút công sức để giúp trẻ củng cố lại kiến thức, mạnh dạn hơn trong học tập. Có học, tương lai các em sẽ tươi sáng hơn, ước mơ mới sớm trở thành hiện thực”, Anh Thư chia sẻ.
Lớp học tuy không có thiết bị hiện đại, nhưng đầy ắp sự ấm áp. Những đứa trẻ từng khép mình vì thiếu vắng tình thương, giờ đã biết lắng nghe, biết đặt câu hỏi, biết chia sẻ và cùng nhau học tập.
Chín tuổi, Y Hạ – học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã quen với việc sống xa gia đình. Cha mất khi em còn học mẫu giáo, Hạ được ông bà ngoại lớn tuổi đưa xuống cô nhi viện nhờ nuôi dưỡng. Bà ở nhà trông em gái của Hạ, còn ông hàng ngày đi bắt ốc ngoài suối đem bán, kiếm tiền đong gạo.
Gia cảnh thiếu thốn, quần áo của ông bà, em gái đều cũ, đôi khi không còn lành lặn để mặc.
“Mai mốt em sẽ làm thợ may để vá lại quần áo cho ông bà, em gái được lành lặn", Hạ lí nhí nói và không quên gửi lời cảm ơn cô Thủy, người đã mang đến những tiết học sinh động, phần quà giản dị mà ấm áp.
“Nhờ cô dạy, em vẫn nhớ cách chia, cách viết hoa và được điểm khá giỏi suốt năm học”, em bẽn lẽn chia sẻ.
Theo bà Y Klanh (46 tuổi), phụ trách Cô nhi viện Vinh Sơn 2, nơi đây đang nuôi dưỡng 141 trẻ em, từ vài tuổi đến 23 tuổi. Mỗi em một hoàn cảnh, có em mồ côi cha, có em chẳng còn mẹ, cũng có người mất cả hai. Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và nữ tu, các em được ăn học, bao bọc giữa những thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần.
“Cô Thủy là người gắn bó lâu dài, không chỉ đến dạy học mà còn âm thầm kết nối các nhà hảo tâm ủng hộ gạo, mì, sách vở, áo quần cho các cháu. Có nhiều em nhút nhát, từng ngại phát biểu, giờ đã chủ động học tập hơn.
Nơi đây còn nhiều khó khăn, mong rằng sẽ có nhiều tấm lòng nhân ái như cô Thủy chung tay, sẻ chia để những đứa trẻ kém may mắn có điều kiện được ăn ở và đến trường học chữ”, bà Y Klanh xúc động nói.
Không phải ngẫu nhiên mà cô Thủy gắn bó với mái ấm này suốt nhiều năm qua. Với cô, dạy học không chỉ là công việc mà còn là cách để sống tử tế, sẻ chia và để nuôi lớn những mầm hy vọng trong cuộc đời các em nhỏ thiếu may mắn.
Lớp học nơi mái ấm không có bảng thông minh, không bàn ghế mới, nhưng lại chứa đựng đủ đầy yêu thương. Ở đó, những đứa trẻ thiệt thòi đang lớn lên bằng tình thương của các sơ, cô giáo, những người lặng thầm chọn sống tử tế.
“Cuối tuần đến với các em ở đây là niềm vui, là hạnh phúc. Dù bận rộn nhưng tôi thấy lòng nhẹ nhàng hơn sau mỗi buổi dạy. Chỉ cần trẻ hạnh phúc, biết học hành và sống tử tế, là tôi vui rồi”, cô Thủy bộc bạch.