'Lớp học vĩnh hằng'

27/07/2023, 06:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Xã Thụy Dân (Thái Thụy, Thái Bình) có một nghĩa trang đặc biệt với tên gọi Nghĩa trang 21/10.

Đây là nơi yên nghỉ của cô giáo - liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh Trường Phổ thông cấp 2 Thụy Dân - nạn nhân cuộc ném bom ngày 21/10/1966 của giặc Mỹ. Học tập theo tấm gương cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân đã trở thành phong trào thường xuyên, liên tục, có sức lan tỏa rộng lớn trong các nhà trường trên địa bàn.

Địa chỉ đỏ

“Tìm hiểu về Nghĩa trang 21/10” với chủ đề "Lớp học vĩnh hằng" có lẽ là bài học đặc biệt đối với học sinh xã Thụy Dân. Cô Phạm Thị Mến, giáo viên Trường TH&THCS Thái Phúc (Thái Phúc, Thái Thụy) cho biết, nội dung ngoại khóa này thường được tổ chức theo quy mô toàn trường, sau đó giáo viên chủ nhiệm tiếp tục tổ chức theo lớp. Để đạt hiệu quả tốt nhất, giáo viên sẽ sưu tầm, sắp xếp các tư liệu; hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu thêm tư liệu; sau đó lên ý tưởng tổ chức giờ học ngoại khóa và phân công nhiệm vụ, hỗ trợ các nhóm học sinh thực hiện ý tưởng.

Giờ ngoại khóa được thực hiện với phương châm phát huy tối đa tính tích cực, chủ động của học sinh dưới sự hướng dẫn, tổ chức của thầy cô. Học sinh đại diện các nhóm sẽ trình bày nội dung được giáo viên phân công và hỗ trợ chuẩn bị. Các em có thể thuyết trình kết hợp trình chiếu trên TV màn hình lớn; cũng có thể diễn tiểu phẩm hoặc tổ chức chơi trò chơi…

“Qua tiết học, học sinh không chỉ có thêm hiểu biết về một địa chỉ đỏ ngay trên quê hương Thái Thụy, mà còn được trải nghiệm những cảm xúc thực sự lắng đọng với niềm cảm thương sâu sắc. Nhiều em không kìm nén nổi những giọt nước mắt xúc động. Từ những cảm xúc đó, học sinh được định hướng tới các giá trị của cuộc sống hôm nay và phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” nhà trường vừa phát động”, cô Phạm Thị Mến chia sẻ.

Theo thầy Vũ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Thái Phúc, tiết học ngoại khóa về Nghĩa trang 21/10 chủ đề “Lớp học vĩnh hằng” thường được nhà trường tổ chức vào giờ chào cờ đầu tuần tháng 10 hàng năm còn các lớp tổ chức giờ học ngoại khóa cho học sinh vào giờ sinh hoạt.

Sau nội dung ngoại khóa, trường phát động phong trào học tập tấm gương cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân gắn với phong trào “Thi đua dạy tốt học tốt”. Nội dung thi đua là khắc phục khó khăn để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học. Phong trào nhận được sự hưởng ứng và thực hiện tích cực của tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường.

“Những năm học qua, ngành Giáo dục gặp không ít khó khăn, thử thách, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong 3 năm học liên tiếp. Phong trào học tập theo tấm gương cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân góp phần giúp các trường thích ứng linh hoạt vượt qua khó khăn, đổi mới sáng tạo và đạt được nhiều thành tích xuất sắc”, thầy Vũ Văn Thắng chia sẻ.

'Lớp học vĩnh hằng' ảnh 1

“Tìm hiểu về Lớp học vĩnh hằng 21/10” là bài học đặc biệt đối với học sinh xã Thụy Dân (Thái Thụy). Ảnh: Phòng GD cung cấp

Lan tỏa tinh thần cách mạng

Trường TH&THCS Thụy Dân là đơn vị được giao trực tiếp quản lý và chăm lo cho khu di tích lịch sử cấp quốc gia - Nghĩa trang 21/10. Tại trường học bố trí phòng truyền thống, lập bàn thờ cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và lưu trữ kỷ vật, các hình ảnh liên quan đến cô.

Đại diện Lãnh đạo Trường TH&THCS Thụy Dân cho biết: Câu chuyện về cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh trường cấp 2 Thụy Dân đã truyền cảm hứng về tinh thần cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương, giáo dục thế hệ trẻ tinh thần cách mạng, uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo. Nhà trường đã giữ gìn truyền thống tốt đẹp đó bằng nhiều việc làm cụ thể, như quét dọn, trồng cây, trồng hoa, lau phần mộ, trang trí, tiếp đón các đoàn viếng thăm, dâng hương…

Thông tin về việc học tập tấm gương cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT Thái Thụy, khẳng định: Phòng GD&ĐT luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh, đặc biệt là giáo dục học sinh thông qua các khu di tích lịch sử của địa phương.

Học tập theo tấm gương cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân đã trở thành phong trào thường xuyên, liên tục, có sức lan tỏa rộng lớn và hiệu quả thiết thực trong những năm học vừa qua. Nghĩa trang đã trở thành địa chỉ đỏ để các trường trong huyện tổ chức ngoại khóa, trải nghiệm…

Cụ thể, Phòng GD&ĐT chỉ đạo Trường TH&THCS Thụy Dân quan tâm chăm sóc nghĩa trang; hàng tuần tổ chức vệ sinh, chăm sóc cây; hàng tháng tổ chức thắp nhang vào các ngày mùng Một và ngày Rằm. Đối với các đơn vị trường học, Phòng GD&ĐT chỉ đạo tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm và dâng hương tại nghĩa trang, đặc biệt là dịp ngày giỗ của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân.

Ông Đỗ Trường Sơn cho rằng, cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh đã vĩnh viễn ra đi, khi bài học còn đang dang dở, cô Xuân mới vừa tròn 24 tuổi, độ tuổi đẹp nhất đời người, để lại một con thơ chưa đầy ba tuổi và đang mang thai con thứ hai.

Hình ảnh khi được tìm thấy, cô Xuân vẫn còn ôm chặt 2 học sinh trong vòng tay thân yêu của mình. Qua đó thể hiện sự khó khăn, vất vả và lòng dũng cảm của nhà giáo; tình thương yêu, trách nhiệm vô bờ bến của cô với trò. Cô giáo là tấm gương sáng cho các thế hệ giáo viên; để rồi mỗi thầy, cô giáo cần nêu cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ để nỗ lực từng ngày cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Câu chuyện về cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh Trường Phổ thông cấp 2 Thụy Dân là câu chuyện đau thương, mất mát vì hậu quả của chiến tranh nhưng cũng là câu chuyện cảm động, truyền cảm hứng mãnh liệt cho thầy - trò nhà trường. Đó là cảm hứng về lý tưởng cao đẹp, niềm say mê công việc, lòng yêu đời, yêu nghề, mến trẻ, vượt khó, say mê học tập. Những nguồn cảm hứng đó là nguồn năng lượng, động lực thúc đẩy thầy trò nhà trường vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, học tập. - Thầy Vũ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Thái Phúc

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Lớp học vĩnh hằng'