Từ đầu năm 2025 đến nay có khá nhiều trường đại học lớn công bố quyết định/xúc tiến thành lập phân hiệu ở các địa phương.
Có thể kể như: Trường Đại học Sư phạm TPHCM thành lập phân hiệu ở Gia Lai; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tiếp nhận tài sản công từ Trường Cao đẳng Bình Phước để mở phân hiệu tại Bình Phước; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Học viện Ngân hàng xúc tiến mở phân hiệu ở Hà Nam; …
Phân hiệu đại học ở địa phương góp phần nâng cao độ bao phủ giáo dục đại học, đặc biệt ở địa bàn khó khăn, phục vụ mục tiêu đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của địa phương, khu vực.
Sự xuất hiện của các phân hiệu cũng thúc đẩy cạnh tranh giữa cơ sở đào tạo, hạn chế bớt trường kém chất lượng, giảm chi phí cho sinh viên cũng như áp lực cho trường tuyến trên. Một số phân hiệu đại học lớn hình thành từ sắp xếp lại các trường cao đẳng ở địa phương còn giúp khai thác hết cơ sở vật chất, thế mạnh, đáp ứng mục tiêu đào tạo.
Phân hiệu Đại học Kinh tế TPHCM tại Vĩnh Long (UEH Vĩnh Long) là một bằng chứng cho thấy hiệu quả của việc mở phân hiệu. Từ khi có phân hiệu này, sinh viên Đồng bằng sông Cửu Long được thụ hưởng chất lượng đào tạo tốt nhưng học phí chỉ bằng khoảng 80% cơ sở chính, sinh hoạt phí rẻ hơn nhiều so với học tại TPHCM.
Chỉ sau 5 năm thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long, UEH Vĩnh Long đã có 3.000 người học ở các bậc hệ, từ 6 chương trình ban đầu tăng lên 15 chương trình, quy mô sinh viên tăng từ 223 lên 2.180 trong năm 2024. Đầu năm 2025, kỷ niệm 5 năm thành lập, phân hiệu này chính thức vươn mình thành UEH Mekong, đáp ứng nhu cầu nhân lực vùng.
Tuy vậy, thực tế không có nhiều phân hiệu hoạt động hiệu quả như UEH Mekong, số đông tình hình tuyển sinh thường không mấy khả quan, cho dù điểm chuẩn, học phí thấp hơn cơ sở chính. Dư luận vẫn chưa thực sự yên tâm về chất lượng đào tạo ở các phân hiệu, khi đầu vào thấp hơn.
Thời gian qua, một số trường áp dụng chính sách luân chuyển địa điểm học và giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất… để chất lượng đào tạo ở phân hiệu như cơ sở chính, song nhiều nơi còn qua loa, chưa cân bằng được. Hoạt động như một đơn vị trường, đòi hỏi bộ máy và tài chính lớn, thế nên khi phân hiệu tuyển sinh không hiệu quả, các cơ sở chính phải gồng gánh.
Có đơn vị như Trường Đại học Công nghiệp TPHCM từng phải bàn giao lại cơ sở Thái Bình cho tỉnh và vẫn gánh một phần chi phí cho phân hiệu Quảng Ngãi vì nơi này chưa thể tự thu chi hoàn toàn.
Mở phân hiệu đại học ở các địa phương là xu hướng tích cực, nhất là trong bối cảnh nhiều tỉnh chưa có trường đại học, hoặc trường đại học, cao đẳng địa phương hoạt động èo uột.
Vấn đề quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng đào tạo, sinh viên phân hiệu phải thụ hưởng điều kiện đào tạo như cơ sở chính, để địa phương, khu vực có nguồn nhân lực chất lượng. Muốn vậy, các trường mở phân hiệu buộc phải có tầm nhìn, năng lực thực sự, chứ không phải nhăm nhăm tranh thủ sự hỗ trợ đất đai, cơ sở vật chất của địa phương.
Gần đây, một số tỉnh như Tây Ninh ra tiêu chí để lựa chọn trường đại học mở phân hiệu, với những yêu cầu khá gắt gao về tiềm lực tài chính, năng lực đào tạo, thương hiệu… Đây là biện pháp sàng lọc cần thiết để các trường muốn “đánh bắt xa bờ” buộc phải tính toán kỹ lưỡng và đầu tư nghiêm túc, mang lại lợi ích thực sự cho các bên, chứ không đơn thuần chỉ “phủ sóng” đại học.