Triển khai đổi mới kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn, cô Vũ Thị Hương, giáo viên Trường THCS thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) cùng đồng nghiệp nghiên cứu kỹ văn bản để triển khai đáp ứng yêu cầu. Điểm mới đáng chú ý là hình thức đánh giá phong phú hơn; kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan, câu trả lời ngắn và câu hỏi tự luận.
Tổ Ngữ văn đã thảo luận đưa ra cấu trúc đề kiểm tra định kỳ; lưu ý khi xây dựng đề cả về lựa chọn ngữ liệu đọc hiểu, câu hỏi, các phương án trả lời trong câu trắc nghiệm… Chú trọng xây dựng đề mở để phát huy khả năng sáng tạo của học sinh. Đặc biệt, quán triệt việc lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để xây dựng đề đọc hiểu và viết.
Tại Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), cô Hồ Thị Lệ Hằng, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, cho biết: Tổ Ngữ văn đã thảo luận, trao đổi trong các buổi họp chuyên môn về xây dựng kế hoạch giáo dục bộ môn phù hợp thực tế nhà trường. Riêng khối 10, thầy cô chú trọng thảo luận về dạy học theo đặc trưng thể loại; dạy học chú trọng rèn luyện kỹ năng đọc - nói - nghe - viết cho học sinh; cách triển khai hoạt động dạy học trong tiết dạy cụ thể; lựa chọn ngữ liệu ngoài sao cho phù hợp…
Tổ chuyên môn cũng thống nhất thực hiện đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá, như: Xây dựng bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan, kiểm tra tự luận, kiểm tra trắc nghiệm kết hợp với tự luận, bảng hỏi ngắn… Việc đánh giá thường xuyên thực hiện linh hoạt, học đến đâu đánh giá đến đó, ghi nhận bảng kiểm, thang đánh giá để quan sát sự chuyển biến về hành động, thái độ và cảm xúc của học sinh. Đánh giá định kỳ được thực hiện theo đúng tinh thần mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.
Để đánh giá đúng năng lực đạt được của người học, đề kiểm được giáo viên xây dựng theo hướng mở, căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình. Giáo viên chủ động trong việc tìm ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để xây dựng đề kiểm tra, cụ thể thang điểm - đáp án thành bảng đánh giá theo tiêu chí.
Trao đổi về đánh giá học sinh với môn Ngữ văn, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng Chủ biên SGK Tiếng Việt - Ngữ văn, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, chia sẻ một số định hướng: Việc đánh giá cần bảo đảm học sinh được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học của chính mình. Đồng thời, học sinh cần được giáo viên hướng dẫn tìm hiểu, nắm rõ các tiêu chí đánh giá để tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Việc thiết kế đề kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ và cuối năm học thực hiện theo hướng dẫn của các cấp quản lý.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng lưu ý, các hướng dẫn này cũng phải phù hợp với định hướng của chương trình. Cụ thể là sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm đánh giá năng lực của học sinh, khắc phục tình trạng chỉ học thuộc, sao chép; tránh dùng lại các ngữ liệu văn bản đã học.
Liên quan đến nội dung thiết kế đề kiểm tra, đánh giá, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng nêu quan điểm: Với môn Ngữ văn, đánh giá bằng hình thức tự luận là phù hợp. Các câu hỏi trắc nghiệm khách quan chủ yếu chỉ để kiểm tra kỹ năng đọc hiểu ở mức độ nhận biết, đặc biệt là đọc hiểu văn bản thông tin.