Toàn bộ chương trình đào tạo tại VNUK được tư vấn xây dựng và phát triển theo khung chương trình của Đại học Aston. Đây cũng đã trở thành điểm thu hút các bạn sinh viên quốc tế theo học tại VNUK bởi chất lượng giáo dục cũng như tính năng động trong giao lưu kiến thức, đặc biệt là loại bỏ rào cản ngôn ngữ giữa sinh viên với sinh viên.
Lưu học sinh Lào đang học tập, nghiên cứu tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng biểu diễn văn nghệ trong chương trình Gặp mặt sinh viên quốc tế nhân dịp Tết Nguyên đán 2022. |
Trước khi dịch Covid – 19 xảy ra, VNUK đã đón nhiều đoàn sinh viên đến từ các trường đối tác đến học một học kỳ hoặc tham gia học kỳ hè. Các trường ĐH có tổ chức dạy học theo các chương trình quốc tế đều đẩy mạnh trao đổi SV ở cả hai hướng gửi SV theo học ở các trường đối tác và tiếp nhận SV nước ngoài.
Ở hướng gửi SV đi, sẽ có các khóa học ngắn hạn như chương trình mùa hè, ở chương trình dài hạn sẽ có những chương trình SV học một năm ở trường đối tác sau đó quay trở lại tiếp tục học tại trường. Về tiếp nhận SV quốc tế, các trường đại học Việt Nam có thể tiếp nhận sinh viên trường đối tác sang học một học kỳ, một năm hoặc thực tập. Như VNUK đã tiếp nhận 3 SV của Anh sang thực tập một năm tại VNUK và 4 SV Hungari sang học một học kỳ ở môn Quản trị và kinh doanh quốc tế. Kỳ tuyển sinh năm 2019 cũng có có 3 SV quốc tế đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc và Bangladesh theo học ngành Khoa học máy tính và Kinh doanh quốc tế đến từ Ấn Độ.
Với xu hướng quốc tế hóa đại học, ngoài giảng dạy bằng ngôn ngữ quốc tế thì việc tuyển chọn SV nước ngoài đến học tập sẽ tạo cách nhìn đa dạng hơn cho SV và muốn quốc tế hóa được thì phải có SV quốc tế để tạo môi trường đa văn hóa. Với việc SV tiếp xúc, hiểu biết về cách nghĩ, cách làm việc và các nền văn hóa khác nhau là rất quan trọng, tạo điều kiện cho SV nhanh chóng thích ứng khi tham gia thị trường lao động quốc tế.
Theo Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019-2025 của Thủ tướng chính phủ, quốc tế hóa giáo dục đại học là một nhiệm vụ trọng tâm và thu hút sinh viên quốc tế là một giải pháp quan trọng. ĐH Đà Nẵng đang đẩy mạnh phát triển các chương trình đào tạo quốc tế, kiến tạo môi trường mang tính quốc tế hoá cao để thu hút thêm nhiều lưu học sinh, đặc biệt là lưu học sinh Lào.
Mới đây nhất, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng và ĐH Quốc gia Lào vừa thảo luận một số nội dung để tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai đơn vị. Trong đó có việc Trường ĐH Bách khoa cam kết triển khai các khóa học tăng cường về Tiếng Việt, Toán, Lý dành cho sinh viên Lào đang học tập tại Nhà trường, với mong muốn giúp các em có thể nhanh chóng bắt nhịp kịp thời việc học tập các môn chuyên ngành tại Trường…
Trong giai đoạn 2016-2021 đã có hơn 3.000 lưu học sinh Lào học tập, nghiên cứu tại ĐH Đà Nẵng. Trong đó, Trường ĐH Kinh tế chiếm tỷ lệ 33.04%, Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum 31.2%; Trường ĐH Sư phạm 20.77%; Trường ĐH Bách khoa 9.56% và một số trường, đơn vị khác. Các trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng đều đảm bảo các chế độ học bổng, chính sách theo quy định; Thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động góp phần đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần cho lưu học sinh Lào nhân các dịp Lễ, Tết; Gặp mặt, đối thoại, qua đó tiếp nhận và phản hồi kịp thời các ý kiến để chăm lo cải thiện, đảm bảo điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn.