Với đề minh họa môn Toán, cô Đào Thị Dịu cho rằng, giáo viên cần nhận diện, phân hóa học sinh theo trình độ năng lực, phẩm chất, khả năng và mức độ ôn tập tốt hơn đáp ứng yêu cầu của đề thi.
Cùng với đó, lập kế hoạch dạy học theo giai đoạn: dạy học kiến thức nền; dạy - ôn theo chuyên đề nhằm nâng cao kiến thức nền, khai thác sâu các đơn vị bài học trọng tâm; tiến hành kiểm tra, đánh giá theo chu kỳ (có phản hồi tích cực với học sinh, phụ huynh) để cải tiến phương pháp, cách thức dạy - học trong các giai đoạn tiếp theo.
Nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên cũng cần sớm chuẩn bị cho công tác ôn tập, từ tài liệu, đề thi thử bảo đảm bám sát cấu trúc, yêu cầu cần đạt về mức độ nhận thức của đề minh họa, định hướng ôn tập cho học sinh, qua đó nâng cao chất lượng dạy học.
Riêng giáo viên cần mở rộng phạm vi đề tài, coi khung chương trình và mục tiêu cần đạt của chương trình là cơ sở cho hoạt động dạy học, kiểm tra. Tránh coi đề minh họa là kim chỉ nam, thước đo cho việc dạy, học, kiểm tra; bởi làm vậy sẽ khiến việc dạy và học trở nên rập khuôn, máy móc, mất tính chủ động, sáng tạo, học sinh khó thích ứng với các kỳ thi trong tương lai; làm sai lệch quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.
Trong khi đó, cô Đỗ Thị Duyên thì lưu ý, giáo viên cần dạy học sinh làm bài để hiểu bản chất và biết vận dụng các kiến thức vào giải quyết vấn đề, không thể dạy làm mẹo.
Đồng thời, cần có hệ thống ngân hàng câu hỏi theo 3 hình thức của đề minh họa để dạy và ôn tập cho học sinh theo từng đơn vị kiến thức, cụ thể:
Phần 1, các câu hỏi nhiều lựa chọn: đa số là các câu hỏi trả lời nhanh, mức độ nhận biết vì vậy nên sử dụng trong các câu hỏi nhận biết công thức và khái niệm, tính chất nên sử dụng trong các hoạt động kiểm tra bài cũ, hình thành kiến thức.
Phần 2, câu trả lời đúng/sai: đa số ở mức độ thông hiểu nên áp dụng trong các hoạt động luyện tập.
Phần 3, câu trả lời ngắn: sử dụng trong các hoạt động vận dụng.
“Trong các bài ôn tập cần có đủ các kiểu câu hỏi khác nhau như trên”, cô Đỗ Thị Duyên lưu ý thêm.