Thời sự

Lũy kế trái phiếu doanh nghiệp đầu năm giảm 50% so với cùng kỳ

PV 22/03/2024 16:52

(GDTĐ) - Thống kê 3 tháng đầu năm cho thấy, thị trường trái phiếu doanh ghiệp chưa có tín hiệu khởi sắc khi lũy kế giảm 50% so với cùng kỳ, tổng giá trị phát hành đạt hơn 14.800 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 14.800 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân gia quyền ước khoảng 10,7%.

Theo số liệu ghi nhận từ Công ty Chứng khoán MB (MBS), từ ngày 1-21/3, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công ước đạt hơn 3.700 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ.

Cụ thể, thị trường chỉ có 2 đợt phát hành thuộc về Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 18-36 tháng, lãi suất 9,8%-10%) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Việt An (1.250 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 9.8%).

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 14.800 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân gia quyền ước khoảng 10,7% và cao hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.

trai-phieu.jpg
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Bất động sản vẫn là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất, với khoảng 6.400 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước phát hành 24.000 tỷ đồng) và chiếm tỷ trọng 43%. Lãi suất bình quân gia quyền là 11,6%/năm, kỳ hạn bình quân 2,5 năm.

Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2.500 tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup (2.000 tỷ đồng), Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Việt An (1.200 tỷ đồng).

Kế đến là nhóm ngành xây dựng-vật liệu xây dựng với tổng giá trị phát hành đạt 5.800 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ) và tỷ trọng 40%. Lãi suất bình quân gia quyền 10,6%/năm, kỳ hạn bình quân là 8,8 năm.

Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (2.800 tỷ đồng), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (1.300 tỷ đồng) và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BOT tỉnh Ninh Thuận (1.200 tỷ đồng).

Trên thị trường thứ cấp, báo cáo cho biết hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục trầm lắng trong tháng Ba, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 2.500 tỷ đồng, giảm 87% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 13.100 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 64% so với cùng kỳ.

Báo cáo của MB cũng chỉ ra áp lực đáo hạn trái phiếu từ nay đến hết năm vẫn rất lớn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.

Chính sách cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi trái phiếu lấy bất động sản hoặc sản phẩm khác, tiếp tục được nối dài sang năm 2024. Chính sách này đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm bớt áp lực vào thời điểm đáo hạn, tuy nhiên tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn khá lớn.

Cụ thể, thị trường sẽ có khoảng 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2024 (đã trừ đi các khoản trái phiếu mua lại) và tăng 4% so với năm trước, trong đó nhóm Bất động sản và Ngân hàng chiếm tương ứng 58% và 8%.

Theo đó, áp lực đáo hạn sẽ rơi vào lần lượt quý 2 (74.000 tỷ đồng) và quý 3 (52.000 tỷ đồng). Hiện tại, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 193.600 tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.

Bài liên quan
Gần 78.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn từ nay đến cuối năm 2024
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 204.076 tỷ đồng, trong đó, khoảng 77.942 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lũy kế trái phiếu doanh nghiệp đầu năm giảm 50% so với cùng kỳ