TS Minh nhận định, đây là một đề tài rất có giá trị, có ý nghĩa. "Đo nhân trắc trên con người hiện nay đối với bộ môn Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mỹ và Hội Hình thái học chúng tôi là rất khó khăn, đặc biệt với việc đo vòng một. Luận án này đã giải quyết được sự khó khăn đó một cách cơ bản", TS Minh chia sẻ.
Cũng theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, trên thực tế hiện nay, hầu như chưa có nghiên cứu nào cụ thể, với số lượng lớn như trên về chỉ số nhân trắc của nữ sinh Việt Nam, đặc biệt đối với vòng một. "Với việc đo 3D này, chúng ta có thể sử dụng số liệu thu được để phát triển ra rất nhiều nghiên cứu khác, phục vụ cho nghiên cứu khoa học", ông nói.
5 năm dốc sức thực hiện luận án để thu về dữ liệu "không dễ có được"
PGS.TS Nguyễn Thị Lệ, một trong hai giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung thực hiện luận án tiến sĩ cho biết, nghiên cứu sinh đã tập trung hoàn toàn trong 5 năm để thực hiện luận án với rất nhiều sự nỗ lực.
Theo bà, những người đầu tiên "cởi áo" để nghiên cứu sinh quét 3D ngực là PGS.TS Nguyễn Nhật Trinh, giảng viên hướng dẫn thứ nhất; người thứ hai là PGS Lệ. Sau khi có được những kết quả ban đầu trơn tru, ổn định, nghiên cứu sinh mới tiến hành đo trên đối tượng nghiên cứu thực sự, là nữ sinh từ 18-25 tuổi.
"Có rất nhiều ngày, phòng thí nghiệm C10 tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phải đóng kín cửa, cài trong để đo các bạn nữ sinh cài đầy cảm biến từ sáng đến tối. Việc làm thế nào để mời được gần 500 nữ sinh bằng lòng "quét ngực trần" là thách thức lớn.
Bên cạnh đó, để đánh giá độ tiện nghi của áo ngực, các nữ sinh phải ngồi trong phòng thí nghiệm đủ 8 tiếng từ sáng tới chiều, vừa học tập, làm việc và trải qua đánh giá trong 6 thời điểm. Nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đã tự thiết kế, chế tạo 2 hệ thống đo, từ hệ thống đo áp lực đến hệ thống Scan 3D. Phải mất rất nhiều ngày để Nhung có thể lấy được ngần ấy dữ liệu.
Hay với việc xử lý dữ liệu, cả giảng viên, nghiên cứu sinh phải làm việc vất vả suốt 1,5-2 năm để cuối cùng mới làm code, test kết quả, gửi đi hội nghị, phản biện, chỉnh sửa…", PGS Lệ tâm sự.
Bà cũng chia sẻ, thực tế, vấn đề nghiên cứu về ngực, áo ngực vẫn còn nhạy cảm ở Việt Nam, dù trên thế giới đã có nhiều.
Giá trị của luận án đã phần nào được minh chứng qua việc nghiên cứu sinh đã công bố 8 bài báo thể hiện kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 1 bài báo trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Web of science, 3 bài báo quốc tế thuộc danh mục Scopus, 4 bài báo trên các tạp chí trong nước. Đây đều là các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín.
"Chúng tôi đã sớm lường trước ngày hôm nay, khi lựa chọn đề tài được cho là nhạy cảm ở Việt Nam. Vì thế, thầy cô hướng dẫn "ép" Nhung phải cố gắng để có công bố quốc tế. Với kết quả nghiên cứu của Nhung vẫn có thể công bố được thêm 2 bài báo quốc tế nữa. Có thể nói, đây là những dữ liệu không dễ gì có được", PGS Lệ nhấn mạnh.
Nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đang là giảng viên giảng dạy tại Khoa Công nghệ may và Thời trang, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, đã có thời gian công tác nhiều năm tại đơn vị này.
Trước đó, chị là cựu sinh viên đại học chính quy khóa đầu tiên của nhà trường.