GS Sarah K. Lipson, Đại học Boston, cho biết khoảng 75% các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đời sẽ khởi phát vào giữa những năm 20 tuổi. Điều đó đồng nghĩa những năm đại học là thời điểm rất dễ bị tổn thương về mặt dịch tễ học.
"Đối với nhiều người trẻ, quá trình chuyển tiếp lên đại học đi kèm với trách nhiệm và quyền tự chủ mới. Họ có thể trải qua dấu hiệu hoặc triệu chứng đầu tiên liên quan đến sức khỏe tâm thần" GS Sarah K. Lipson nói.
Các chuyên gia cho biết quá trình học đại học là thời điểm thanh niên dễ bị tổn thương và gặp tình trạng sức khỏe tâm thần căng thẳng. Ảnh: Berea.edu. |
Sức khỏe tinh thần ở trường đại học là cực kỳ quan trọng. PGS Lipson cho rằng nó liên quan đến các kết quả dài hạn, bao gồm thu nhập, năng suất làm việc, sức khỏe tổng quát trong tương lai.
Chính vì vậy, các chuyên gia sức khỏe tâm thần nhấn mạnh sinh viên nên ưu tiên các nhu cầu cá nhân. Nhà tâm lý học Marcus Hotaling, Đại học Union, khẳng định không có gì đáng xấu hổ khi sinh viên dành thời gian để bản thân nghỉ ngơi.
"Bạn có thể tạm nghỉ một kỳ hoặc một năm để điều trị và quay trở lại mạnh mẽ hơn, học tập, tập trung tốt hơn. Quan trọng, sinh viên cảm thấy khỏe mạnh hơn", ông Hotaling nói.
Ông cho rằng các trường đại học nên giúp sinh viên giảm bớt áp lực bằng cách tạo ra những chính sách đơn nhằm giản hóa quy trình.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng việc bỏ học không phải là giải pháp tốt nhất để quản lý sức khỏe tâm thần.
Bác sĩ Ryan Patel, Trưởng bộ phận sức khỏe tâm thần của Hiệp hội Y tế tại American College, cho biết sinh viên nên theo dõi tình trạng căng thẳng thông qua việc tự đánh giá triệu chứng và cường độ học tập, từ đó đưa ra quyết định đúng.
"Nếu chúng tiến bộ và bạn đang trở nên tốt hơn, bạn nên nghĩ đến việc tiếp tục đi học. Ngược lại, nếu mọi thứ dần tồi tệ bất chấp sự cố gắng cải thiện, đó là sự khác biệt", bác sĩ Ryan Patel nói và lưu ý sinh viên cũng cần nắm được tình hình nếu họ trở về nhà, bao gồm cả việc tiếp cận các dịch vụ điều trị.
Theo một cuộc khảo sát của Hội đồng Giáo dục Mỹ, sức khỏe tinh thần của sinh viên luôn được coi là vấn đề cấp bách nhất đối với các trường đại học. Tuy nhiên, khi nhu cầu sinh của sinh viên tăng lên, việc thiếu nhân lực khiến các trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần phải vật lộn để đáp ứng đủ.
Điều này lan rộng sang cả các trung tâm hỗ trợ bên ngoài trường học. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định trường học vẫn có mạng lưới để hỗ trợ sinh viên.
Ông Marcus Hotaling cho rằng các giảng viên đại học nên được đào tạo để nhận ra sự thay đổi trong sức khỏe tâm thần của các em.
"Họ cần hiểu rằng sinh viên có thể đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe tâm thần. Nếu được đào tạo và có hiểu biết, chính giảng viên là nguồn lực thích hợp để hướng dẫn các em", ông Hotaling nói.