Lý tưởng sống của người trẻ trong bộ phim 'Mùi cỏ cháy'

10/03/2024, 08:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Một lý tưởng sống cao cả, một tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, họ là những người lính trong “Mùi cỏ cháy” của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười.

Hoàng, Thành, Thăng, Long đã đại diện cho lớp người trẻ của xã hội lúc bấy giờ để cất lên lý tưởng sống cao đẹp của mình: Họ lựa chọn những điều lớn lao chứ không sống cho riêng mình và sẵn sàng trao đi tất cả kể cả khi họ cảm giác như chẳng còn gì. Họ đã sống và chết thật đẹp!

“Mười tám hai mươi sắc như cỏ

Dày như cỏ

Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ

Chúng tôi đi không tiếc đời mình

Nhưng tuổi 20 ai mà chẳng tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc?”([2])

Quay trở lại với thực tại, về với thời bình, người trẻ mang nhiều lý tưởng sống khác nhau, tuy nhiên, một trong những lý tưởng sống đáng lo ngại của họ chính là “Được đến đâu thì hay đến đó”. Điều này có nghĩa là họ sống một cách nhạt nhòa, không có chí tiến thủ, không quá để tâm đến những gì mình có hiện tại. Ở thời đại công nghệ số hiện đại, cái gì cũng có sẵn, tiện lợi và nhanh chóng khiến họ hình thành lối tư duy vô lo vô nghĩ.

Đối với đồng tiền, họ cho rằng tiền nhiều hay ít cũng không sao, chưa quan trọng. Họ phụ thuộc nhiều vào người khác, sống lênh đênh và trôi dạt. Không chỉ thế, họ mang trong mình thái độ dậm chân tại chỗ, ở mãi trong “vùng an toàn” của mình. Đơn giản vì họ nghĩ, ở đó họ có thể tự do vẫy vùng mà không cảm thấy lo sợ, không bị áp lực đè nén và luôn kiểm soát được mọi vấn đề.

Những khoảng thời gian họ mải mê với biết bao thú vui trên đời, nhàn rỗi và thờ ơ sẽ được đánh đổi bằng sự khó nhọc đặt trên đôi vai họ sau này. Đến khi đặt chân vào thế giới của người trưởng thành, hầu hết ai trong số họ cũng phải sử dụng đến tiền bạc. Một tờ giấy mỏng dẹt như vậy thôi nhưng lại có sức mạnh vô cùng khủng khiếp.

Trên các trang báo cũng như trang mạng xã hội những năm qua luôn cập nhật không biết bao nhiêu vụ việc người nhà vì tranh chấp tài sản mà chém giết lẫn nhau. Chẳng hạn như vào năm ngoái, tại thành phố Hải Dương, chỉ vì tranh giành đất đai mà người anh trai đã chém em ruột không thương tiếc, khiến người em tử vong tại chỗ. Thứ mà những người trẻ đang nghĩ rằng là “nhiều hay ít cũng không sao” hoàn toàn có thế khiến anh, chị em ruột thịt trong nhà xa mặt cách lòng, thậm chí là làm hại nhau, đưa một mối quan hệ lâu năm trở về vạch xuất phát.

Tiền, suy cho cùng luôn luôn cần thiết, có nó thì mới không bị làm phiền bởi thiên hạ. Những người lựa chọn sống an nhàn thời trẻ rồi sẽ phải trả giá đắt khi về già. Khi sức lực không còn nhiều, nhiệt huyết tuổi trẻ năm nào cũng không đủ quyết liệt, để rồi chỉ biết thở than:

“Ta đã làm chi đời ta?”. Trong cuốn sách “Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ” của Cảnh Thiên có một câu nói rất hay: “Trên thế gian không nơi nào bán thuốc hối hận, đó chỉ là lời cảnh tỉnh, cũng là lời khích lệ”. Mong sao những người trẻ đang giữ trong mình thái độ “được đến đâu thì hay đến đó” sẽ không để “nước đến chân mới nhảy”, không để nuối tiếc về sau này.

Bên cạnh những người trẻ sống vô tư, vẫn có những người đang cố gắng đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Có không ít thanh niên nỗ lực từng ngày để có được một phiên bản tốt hơn của chính họ. Họ vẽ ra mục tiêu rõ ràng cho mình, mong muốn kiếm thật nhiều tiền để “gió tầng nào gặp mây tầng đó”, có gia đình hạnh phúc và cuộc sống ổn định. Gần đây, tại Hà Nội, rất nhiều các bạn học sinh trường chuyên giành được học bổng của các trường đại học danh giá, top đầu thế giới.

Phải kể đến các bạn như Vũ Ngọc Lan Nhi, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội) trúng tuyển vào Trường Grinnell College (top 11 Liberal Art College) với học bổng bằng 95% học phí tương đương hơn 6 tỷ đồng. - Theo Tin giáo dục Hà Nội. Hay bạn Đinh Tiến Đạt, lớp 12A1, trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, trúng tuyển Đại học Brandeis - trường top 60 tại Mỹ, được ví như "Ivy League cho người Do Thái", với học bổng và hỗ trợ tài chính hơn 6 tỷ đồng, tương đương 80% học phí. - Theo Tin giáo dục Hà Nội

Khép lại “Mùi cỏ cháy” bằng hình ảnh đoàn xe tăng Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Bộ phim đã để lại ấn tượng và thông điệp có giá trị, hình ảnh những người lính mang ý chí, quyết tâm bảo vệ hòa bình. Và nổi bật hơn, là hình ảnh những sinh viên khoác lên mình màu áo lính, xung phong ra nơi đầu chiến trận. Mình đã lựa chọn tác phẩm này vì nó không những để lại nhiều giây phút quý giá cho người xem và đem đến một bức tranh vô cùng chân thực, sâu sắc về lí tưởng sống của người thanh niên mà còn khiến ta càng trân quý hòa bình hiện tại, càng nâng niu những gì ta đang có hơn.

Đồng thời, bộ phim cũng là một lời khuyến khích, động viên thế hệ trẻ góp sức xây dựng đất nước trong bối cảnh không còn khói bom mù mịt. Những mầm non của đất nước cần chăm chỉ cố gắng mỗi ngày để có thể góp phần vào công cuộc phát triển, làm cho đất nước thêm giàu đẹp. Như Bác Hồ kính yêu đã từng nói:

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Bên cạnh đó, các thanh niên cũng cần tránh lối sống vô định, thay đổi tâm thức để có thể “tỏa sáng trong vở diễn đời mình”.

[1] Trích từ Báo Quân đội Nhân Dân. 9/8/1972

[2] Bài thơ “Khúc bảy” của nhà thơ Thanh Thảo (1977)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ly-tuong-song-cua-nguoi-tre-trong-bo-phim-mui-co-chay-post674761.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ly-tuong-song-cua-nguoi-tre-trong-bo-phim-mui-co-chay-post674761.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý tưởng sống của người trẻ trong bộ phim 'Mùi cỏ cháy'