Mái nhà chung của sinh viên nghèo

20/10/2023, 08:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với mục tiêu 'Tiếp bước sinh viên nghèo, học giỏi', ký túc xá Cỏ May (TPHCM) đã trở thành mái nhà thứ hai của nhiều sinh viên khó khăn.

Hơn 7 năm qua, với mục tiêu “Tiếp bước sinh viên nghèo, học giỏi”, ký túc xá Cỏ May (TPHCM) đã trở thành mái nhà thứ hai của nhiều sinh viên khó khăn. Các em khi đến với mái nhà chung này không phải đóng bất cứ khoản phí nào, ngược lại còn được tài trợ học phí và phí học tiếng Anh, tin học…

Niềm vui trong ngôi nhà mới

Vượt qua gần 200 hồ sơ đăng ký, Trần Văn Hào (quê An Giang), sinh viên Trường Đại học Sài Gòn may mắn là 1 trong 90 tân sinh viên được xét chọn vào lưu trú tại ký túc xá Cỏ May từ năm học 2023 - 2024.

Hào là một trong những sinh viên có hoàn cảnh rất khó khăn, cha mất từ khi em còn nhỏ. Năm Hào đang học lớp 2 thì lại nhận được tin mẹ không may nhiễm H. Vì gia cảnh khó khăn nên người anh của Hào phải nghỉ học để đi làm phụ mẹ. Hàng tháng thu nhập của mẹ và anh trai chỉ đủ để trả nợ và sinh hoạt. Vì vậy, việc Hào đến trường đều nhờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía nhà trường và địa phương.

Hào cho biết: “Khi biết tin trúng tuyển khối C00, ngành Du lịch của Trường Đại học Sài Gòn, em cũng như mẹ và anh trai rất vui mừng. Tuy nhiên xen lẫn với niềm vui là sự lo lắng về việc ăn ở, học tập những năm tháng xa nhà. May mắn là thông qua mạng xã hội Facebook, em biết đến ký túc xá Cỏ May nên nộp hồ sơ xin hỗ trợ. Đến khi nhận được thông báo đến làm thủ tục lưu trú, gia đình em như vỡ òa. Được sống tại ký túc xá trong khoảng thời gian học đại học, em yên tâm học tập, rèn luyện, gia đình vơi bớt khó khăn”.

Tương tự, em Nguyễn Trần Hoàng Yến (quê Bến Tre), tân sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) không giấu được niềm vui khi nhắc đến việc được lưu trú miễn phí tại ký túc xá Cỏ May.

Yến cho biết: “Cha em bị liệt nửa người không có khả năng lao động. Mẹ bị bệnh sỏi thận, cao huyết áp chỉ làm được công việc nhẹ. Để được đi học, gia đình em phải làm thuê, nhờ cậy vào tiền trợ cấp xã hội. Sau niềm vui đỗ đại học, em và gia đình lại càng vui mừng hơn khi nhận được thông báo trúng tuyển vào lưu trú miễn phí ở ký túc xá Cỏ May. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt trong những năm tháng học đại học”.

Bà Nguyễn Thị Nhung - Trưởng ban quản lý ký túc xá Cỏ May - cho biết, năm học 2023 - 2024 là năm thứ 8 ký túc xá thực hiện hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng nỗ lực trên con đường học tập. Những năm trước, ký túc xá nhận 100 tân sinh viên, nhưng năm học này chỉ có 90 trên tổng số gần 200 tân sinh viên nộp đơn đăng ký đạt yêu cầu và được chọn.

Trong quá trình lưu trú, nếu các em thiếu ý thức rèn luyện, đạo đức vẫn có thể bị mời rời khỏi ký túc. Người sáng lập và ban quản lý luôn cố gắng xây dựng nơi đây thành “mái nhà chung”, nơi mà các em có thể chia sẻ, động viên và giúp đỡ lẫn nhau.

Ký túc xá Cỏ May ngày mới khánh thành. Ảnh: Mạnh Tùng ảnh 1
Ký túc xá Cỏ May ngày mới khánh thành. Ảnh: Mạnh Tùng

Nuôi dưỡng ước mơ

Những sinh viên khi lưu trú tại ký túc xá Cỏ May được ở miễn phí, được hỗ trợ tiền ăn, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn và cấp học phí 4 năm học nếu điểm học lực đạt từ 7,5 trở lên. Ngoài ra, ký túc xá còn hỗ trợ học phí tin học, ngoại ngữ khi sinh viên học tại trung tâm của trường và tổ chức nhiều chương trình sinh hoạt kỹ năng dành cho các em.

Em Nguyễn Thị Thúy Diễm, sinh viên năm 4 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), chia sẻ: “Em vào lưu trú tại ký túc với mong muốn giảm được phần nào gánh nặng kinh tế cho gia đình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên với em việc được vào ở đây quả thực là điều may mắn. Đây là môi trường tốt để sinh viên chúng em an tâm học tập. Từ khi lên học tập tại TPHCM, em đã xem đây là nhà, là nơi nuôi dưỡng ước mơ và nhiều điều kiện phát triển bản thân”.

Thời gian qua, Diễm cùng những sinh viên đang lưu trú tại ký túc xá Cỏ May được tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề để nâng cao kĩ năng và kiến thức ít nhất một tháng 1 lần, như tìm hiểu kĩ năng viết CV, tìm việc làm…

Ngoài ra, ký túc xá còn có các câu lạc bộ thể thao các môn như: Bóng bàn, cầu lông hay câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ tiếng Anh… để sinh viên được học tập và rèn luyện tốt nhất.

“Bản thân là đội trưởng đội truyền thông của ký túc xá, em đã rèn luyện và học hỏi rất nhiều về kĩ năng truyền thông, viết bài, chụp ảnh, lên ý tưởng thông qua các buổi đào tạo của anh chị đi trước. Nhờ đó em đã trau dồi thêm rất nhiều kĩ năng mềm hỗ trợ cho nghề nghiệp sau này”, nữ sinh viên nói.

Sinh viên ký túc xá Cỏ May trong buổi tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy. ảnh 2
Sinh viên ký túc xá Cỏ May trong buổi tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.

Lê Thị Kim Ngân là cựu sinh viên từng gắn bó với ký túc xá 4 năm, giờ đã ra trường và có công việc ổn định. Ngân chia sẻ, bản thân có được ngày hôm nay một phần là được Cỏ May hỗ trợ về vật chất, giúp em phát triển kỹ năng sống cũng như cơ hội tiếp xúc nhiều anh/chị, các bạn sinh viên ưu tú, từ đó làm tiền đề để em cố gắng và phấn đấu từng ngày.

Với Ngân, ký túc xá Cỏ May chính là mái nhà thứ hai, ở đó em có được nhiều niềm vui, sự yêu thương, quan tâm và phát triển kỹ năng.

“Bước ra mái nhà Cỏ May, em cũng như các bạn sinh viên khác đều được khoác trên mình một tinh thần, bản lĩnh, mạnh mẽ đương đầu mọi khó khăn. Cuộc sống có những bước chuyển tích cực. Với em Cỏ May là thanh xuân, là nơi vun đắp ước mơ em bay cao, bay xa”, Ngân chia sẻ.

Ký túc xá Cỏ May “Tiếp bước sinh viên nghèo - học giỏi” do cố doanh nhân Phạm Văn Bên (Đồng Tháp) xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2016 đến nay. Ký túc xá có 4 tầng, 54 phòng (mỗi phòng diện tích 45m2) với sức chứa khoảng 400 sinh viên. Mỗi dãy của ký túc xá đều được trang bị 1 máy đun nước nóng tự động, hệ thống báo cháy, camera an ninh. Đặc biệt, nơi đây có nhiều khu sinh hoạt chung cho sinh viên như: Các phòng học nhóm, phòng thư viện, phòng nhạc, phòng tập thể thao.

Bài liên quan
Công an TPHCM cảnh báo thủ đoạn lừa đảo du lịch, trộm cướp trong dịp nghỉ lễ 30/4
Cơ quan công an khuyến cáo người dân đi du lịch, nghỉ dưỡng dịp lễ cần chọn công ty uy tín và khóa cửa nhà cẩn thận, nhờ người trông coi hoặc lắp đặt camera để quan sát từ xa.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mái nhà chung của sinh viên nghèo