Mạnh dạn để con lao động: Chữa bệnh… chây ỳ

Vân Huyền | 21/02/2022, 19:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để phát triển toàn diện, bên cạnh trí lực, trẻ cần được giáo dục lao động, xây dựng kỹ năng tự lập từ nhỏ.


Lao động vô cùng quan trọng với khả năng nhận thức của trẻ.

Trẻ tự tin hơn nhờ lao động

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Trung tâm Rồng Việt - cho biết: “Chúng ta nên biết rằng, hầu hết trẻ em đều tò mò, thích được sai vặt, “làm việc” cùng người lớn. Người lớn nên coi đây là cơ hội tốt để giáo dục trẻ. Hãy mạnh dạn giao cho bé một số công việc trong gia đình vừa sức với trẻ, rồi từng bước hướng dẫn để bé tập làm”.

Ví dụ, trẻ có thể để quần áo bẩn vào chậu giặt, mang bát bỏ vào chậu rửa sau khi ăn xong, dọn đồ chơi, thay giấy vệ sinh, gấp quần áo… Phụ huynh có thể động viên, khuyến khích bé tham gia. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời nếu trẻ không làm được.

“Khi làm việc nhà, bé sẽ cảm thấy có giá trị hơn, học được các kỹ năng và tự tin hơn vào khả năng. Cũng qua đó, người lớn có thể phát hiện được tiềm năng hay thiếu hụt của bé để định hướng bồi đắp. Nhà sư phạm học Elizabeth Pantley cho rằng, giao việc cho con trẻ là một cách tốt nhất để xây dựng lòng tự trọng và giúp bé khám phá năng lực, hứng thú của chính mình.

Những trẻ sớm tham gia làm các việc vặt trong nhà, biết coi việc nhà là một điều bình thường của cuộc sống sẽ dễ dàng bước vào giai đoạn trưởng thành hơn so với những trẻ không có tinh thần trách nhiệm với các công việc đó”, chuyên gia Lê Khanh dẫn chứng.

Do đó, ông khuyến khích, cha mẹ nên để trẻ tham gia giúp việc nhà từ khi bé 2 - 3 tuổi, như: Lau bàn, lau đĩa… hoặc các công việc vừa sức khác. Ngoài ra, cha mẹ có thể hướng dẫn và giao cho trẻ tự lấy bô khi đi vệ sinh, rửa tay, buộc dây giày, cài cúc áo, gấp quần áo cất vào tủ, dọn đồ chơi… Thông qua các công việc được giao, làm cùng người lớn, trẻ sẽ có trách nhiệm với bản thân, gia đình và với những đồ dùng của bản thân. Khi cảm nhận được trách nhiệm, cảm giác có trách nhiệm đối với người khác cũng như xã hội sẽ dần đến với trẻ một cách tự nhiên trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Khi trẻ 4 - 6 tuổi, cha mẹ có thể dạy con cách thu dọn phòng ngủ, gấp chăn màn, quần áo, lau bàn ghế, giường tủ… Thậm chí, có thể hướng dẫn bé rửa chậu, lau bồn rửa mặt và bồn tắm. Chuyên gia Lê Khanh cho biết, trẻ thường thích được cọ rửa đồ. Trẻ 4 - 5 tuổi có xu hướng thích phân loại quần áo sáng và tối màu để gấp, cất vào ngăn tủ.

Khi 5 - 6 tuổi, trẻ có thể giúp cha mẹ rửa bát. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách làm công việc này và giao từng phần việc cho con. Tuy nhiên, phụ huynh nên để trẻ rửa đồ nhựa, thay vì thứ dễ vỡ.

“Điều quan trọng là vừa làm, vừa trò chuyện, tâm tình cùng trẻ để mở rộng sự hiểu biết và giúp con cảm thấy tự tin hơn. Hãy kiên trì hướng dẫn, khích lệ, không chê bai”, chuyên gia gợi ý.


Nhiều phụ huynh “tranh” làm việc, khiến trẻ ỷ lại.

Để con làm những công việc “tuyệt vời”

Trong khi đó, phụ huynh cần kiên trì hướng dẫn trẻ làm. Bởi, ban đầu, trẻ có thể chưa quen và vụng về, chậm chạp. Tuy nhiên, thay vì chê bai, cha mẹ cần giải thích tại sao và động viên trẻ kiên trì làm lại.

“Trẻ ham học hỏi, thích tự mình làm lấy. Làm thành công, trẻ sẽ có được lòng tin vào việc mình làm. Cứ như vậy, trẻ lớn lên từng bước một. Ngược lại, lúc nào cha mẹ cũng làm hộ sẽ hình thành ở trẻ thói quen ỷ lại, ích kỷ. Trẻ làm tốt dù là việc nhỏ vẫn cần được khích lệ, động viên. Quan trọng hơn là phải củng cố lòng tự tin cho trẻ. Dù trẻ làm chưa giỏi cũng nên khen ngợi. Có vậy, trẻ mới tự tin, để lần sau làm giỏi hơn”, ông Lê Khanh chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn “đau đầu” vì trẻ không chịu làm một số việc người lớn muốn. Theo chuyên gia này, nguyên nhân là vì công việc đó không khiến trẻ thích. Do đó, phụ huynh cần tạo ra nhiều việc để trẻ có thể chọn làm. Vạch rõ ràng chi tiết của mỗi việc. Cha mẹ có thể lập biểu đồ để đánh dấu những công việc giao cho trẻ. Trước khi bắt đầu phân việc, phụ huynh hãy cho trẻ biết rằng, cha mẹ mong đợi gì ở con và trẻ sẽ nhận được gì từ công việc đó.

“Đừng quên nói với trẻ rằng, những công việc con đang làm đều vô cùng tuyệt vời. Đa số trẻ sẽ rất hào hứng nếu làm việc mà có phần thưởng”, chuyên gia này nhấn mạnh.

“Không lao động, não các con có biểu hiện chậm phát triển. Có một tỷ lệ các trường hợp đều có vấn đề khi không lao động từ bé. Các con làm rất chậm, hay quên, không nhớ được bảng cửu chương, các phép tính đơn giản như cộng trừ cũng gặp khó khăn. Lý do là vì các con hoàn toàn không làm gì. Khi không làm việc gì, con sẽ không có cơ hội ôn luyện. Ví dụ, đi chợ mua xong, tiền thừa lại là bao nhiêu không cần tính toán”, TS Vũ Thu Hương chia sẻ.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/manh-dan-de-con-lao-dong-chua-benh-chay-y-ah5sZAfng.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/manh-dan-de-con-lao-dong-chua-benh-chay-y-ah5sZAfng.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mạnh dạn để con lao động: Chữa bệnh… chây ỳ