“Cũng không nghĩ nhiều nên tôi mượn của người thân nạp vào tài khoản NH 10 triệu đồng. Sau đó, họ tiếp tục gọi và yêu cầu tôi cung cấp mã OTP để xác thực tài khoản. Nhưng khi cung cấp mã OTP thì tài khoản của tôi bị trừ 10 triệu đồng, họ cũng lập tức tắt máy và chặn hết mọi liên lạc với tôi. Tôi gọi điện thoại lên tổng đài của Công ty tài chính H để hỏi thăm thì mới biết mình bị lừa” - chị Đ nói.
Không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cho biết tình trạng giả mạo nhân viên của NH, công ty tài chính gọi điện thoại tư vấn cho người dân mở thẻ tín dụng, sau đó chiếm đoạt tài sản hiện xảy ra rất nhiều.
Để phòng tránh thủ đoạn lừa đảo này, người dân phải thật cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ cá nhân, tổ chức, cơ quan nào dù người đó xưng là nhân viên của NH hay cơ quan công an. Mã OTP được xem là lớp bảo mật thứ hai, sau mật khẩu của một tài khoản NH. Một khi có mã OTP sẽ hoàn thành giao dịch chuyển tiền, do vậy mã OTP rất quan trọng trong việc quản lý, bảo mật tài khoản.
“Không một ai có quyền được biết mã OTP, ngoại trừ chính chủ tài khoản. Sẽ không có một nhân viên NH hay nhân viên công ty tài chính nào yêu cầu người dân cung cấp mã OTP cho họ” - TS Hiếu nói.
TS Hiếu cũng cho biết thêm khi người dân có nhu cầu mở thẻ tín dụng nên đến trực tiếp các NH hoặc công ty tài chính để được tư vấn, hướng dẫn. Vì các công ty tài chính, NH khi thực hiện thủ tục mở thẻ tín dụng, dù mở thẻ online, qua app thì bước cuối cùng người dân cũng phải đến trực tiếp để hoàn tất các bước như cung cấp thông tin, chứng minh thu nhập, công việc, chữ ký… và toàn bộ quá trình mở thẻ trực tiếp sẽ được ghi hình để đảm bảo an toàn.
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết nếu đã bị lừa mất tiền, người dân cần liên hệ với NH mình có tài khoản để yêu cầu ngăn chặn các giao dịch, sau đó trình báo vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Luật sư Sơn chia sẻ thêm với hành vi lừa đảo trên, các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021, phạt tiền 2-3 triệu đồng với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản… Ngoài ra còn bị áp dụng xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017, với hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp (đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm…) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tù 2-7 năm; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân…
Kiểm tra kỹ trước khi làm thủ tục mở thẻ tín dụng Trước đó, Công an TP.HCM cũng có khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ thông tin cá nhân và tài sản của mình. Khi có nhu cầu mở thẻ tín dụng, cần liên hệ trực tiếp với các chi nhánh NH để được tư vấn, hướng dẫn. Kiểm tra mã số thuế, địa chỉ, người đại diện công ty, gọi điện thoại đến các số đường dây nóng, chăm sóc khách hàng... của công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục mở thẻ tín dụng. Tham khảo thêm ý kiến của người thân có nhiều kinh nghiệm trước khi làm các thủ tục. Không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác định chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên. Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản NH, mã OTP cho người lạ; không chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ; trình báo công an nơi gần nhất khi phát hiện thủ đoạn mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… PV |