Bộ Quốc phòng vừa phê duyệt Đề án tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954). Bốn lực lượng được huy động tham gia, gồm: Pháo lễ; không quân bay chào mừng; diễu binh diễu hành và đội đứng trên sân, tổng số 12.000 người.
Quân đội diễu binh qua lễ đài dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 5/2014 tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quý Đoàn
18 khẩu lựu pháo 105 mm mở màn lễ diễu binh bằng 21 loạt pháo trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp đến là phần trình diễn của 9 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua lễ đài.
Lực lượng diễu binh gồm 4 khối nghi trượng, 24 khối quân đội, dân quân tự vệ, công an. Khối diễu hành gồm 9 khối cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân, nông dân, tri thức, thanh niên, phụ nữ, khối các dân tộc Tây Bắc và sau cùng là khối nghệ thuật.
Lần gần nhất Việt Nam tổ chức lễ diễu binh diễu hành mừng chiến thắng Điện Biên Phủ là năm 2014 tại tỉnh Điện Biên - nơi ghi dấu trận đánh "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Các lực lượng diễu hành trên đường phố Điện Biên, tháng 5/2014. Ảnh: Quý Đoàn
Chiều 7/5/1954, lá cờ của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc chiến dịch 55 ngày đêm "khoét núi ngủ hầm", đánh sập cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp ở Đông Dương, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm.
Một ngày sau thất thủ ở Điện Biên Phủ, 8/5/1954, Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Geneva bàn về vấn đề Đông Dương. Sau hội nghị, Pháp công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam và chấm dứt chế độ thực dân ở các nước này.
Trận Điện Biên Phủ được nhiều chuyên gia quân sự nhận định là một trong những trận đánh vĩ đại nhất thế kỷ 20, khởi nguồn cho cuộc đấu tranh giành độc lập của nhiều dân tộc trên thế giới.