Máy vớt rác WSCA 2.0 đang được vận hành thực tế trên khu vực sông Hoài (Quảng Nam), bước đầu mang lại những hiệu ứng tích cực. Phần lớn các bãi biển đang bị ô nhiễm nhựa cao, trong đó Bãi Xếp trên và Bãi Bắc của Cù Lao Chàm được đánh giá là rất ô nhiễm.
Các hoạt động du lịch đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hội An (Quảng Nam) nhưng cũng làm gia tăng lượng rác thải ra môi trường.
Không những vậy, vị trí địa lý cùng ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt gần đây đã khiến lượng rác thải bị trôi dạt và mắc kẹt tại bờ biển Cửa Đại tăng cao. Máy vớt rác trôi nổi trên bề mặt nước giúp giải quyết tình trạng này, tạo ra cảnh quan môi trường sạch đẹp.
Ưu điểm của máy là đơn giản, dễ dàng nhân rộng, chi phí rẻ và giảm ngay lượng rác thải nhựa tại nguồn. Với lượng rác thải tại Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) là 4 - 5 tấn/ngày, nhóm dự tính để giải quyết 70% rác thải tại đây cần 5 máy thu gom.
Tác giả cho biết đang thực hiện những thủ tục cần thiết để đăng ký cấp bằng sáng chế cho WSCA2.0. “Nếu có thêm kinh phí hoặc được tài trợ, tôi sẽ tiếp tục làm ra thêm nhiều máy nữa để đưa đến những nơi cần thiết như khu du lịch có sông, hồ, góp phần làm sạch môi trường nước Việt Nam”, ThS Thái Anh chia sẻ.
Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển, sử dụng công nghệ camera quan trắc được lập trình trí tuệ nhân tạo để nhận dạng rác nổi và camera 360 xây dựng nội dung đa phương tiện thực tế ảo.
Với vai trò là giảng viên Trường ĐH Cần Thơ, thầy Thái Anh đã liên kết một số đơn vị mạnh về công nghệ thông tin để có thể hỗ trợ và phát triển hệ thống điều khiển từ xa cho mô hình.
Sau khi làm được hệ thống điều khiển từ xa, nhóm sẽ tiếp tục ứng dụng một số công nghệ tiên tiến vào mô hình này. Mục tiêu xa hơn mà nhóm mong muốn là làm ra nhiều robot như thế này, vận hành trên khắp Việt Nam.