Một trong những yếu tố làm nên chất lượng đội ngũ chính là từ công tác tập huấn, bồi dưỡng. Do đó, việc tập huấn phải bảo đảm tính hiệu quả, phát triển đội ngũ giáo viên bằng bồi dưỡng thường xuyên, liên tục. Coi trọng công tác sinh hoạt chuyên môn, xây dựng các chuyên đề của tổ chuyên môn, nhà trường, cụm trường. Từ đó, phát huy sáng kiến, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
Lớp học “2 chiều” của cô và trò Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (Điện Biên). |
Bảo đảm công tác dạy và học
Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên - chia sẻ: Về đội ngũ, 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT; hơn 99% cấp THCS hoàn thành chương trình bồi dưỡng 6/9 mô-đun của Chương trình GDPT 2018. 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp được tập huấn triển khai Chương trình GDPT 2018.
Việc biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương được ngành chủ động triển khai, bảo đảm về tiến độ và chất lượng. Trong đó, ban hành khung chi tiết; tổ chức dạy thực nghiệm; góp ý và thẩm định tài liệu; trình Bộ GD&ĐT phê duyệt tài liệu Giáo dục địa phương lớp 7, 8, 9 trong năm 2021.
Tham mưu UBND tỉnh tổ chức biên soạn, thẩm định và trình Bộ phê duyệt tài liệu Giáo dục địa phương lớp 10 trong tháng 3/2022. Tiếp tục tổ chức khảo sát, thu thập thông tin và biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương cấp THPT. Dự kiến tháng 12/2022 hoàn thành đối với lớp 11, chuẩn bị các điều kiện biên soạn lớp 12 trong năm 2023.
100% giáo viên dự kiến tham gia dạy lớp 7, 10 năm học 2022 - 2023 đã tham gia hội nghị giới thiệu SGK, hoàn thành tập huấn sử dụng sách trong tháng 6. UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 6, 7, 10 và các cơ sở giáo dục đã chủ động đăng ký mua theo danh mục được phê duyệt.
Ngoài khó khăn chung của tỉnh về cơ sở vật chất, ngành GD-ĐT còn gặp khó trong tuyển giáo viên các môn đặc thù (Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh...). Lịch sử trở thành môn học bắt buộc dẫn đến số môn, tiết tự chọn (hiện tại là 5 môn chọn trong 3 nhóm môn) sẽ giảm, phần nào ảnh hưởng đến việc bố trí giáo viên của các nhóm môn này. Tuy nhiên, sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng sẵn các tình huống, giải pháp phù hợp để khắc phục khó khăn khi Bộ có điều chỉnh.
Với nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) sẽ triển khai đối với trường có giáo viên nghệ thuật hoặc xây dựng tổ hợp lựa chọn môn Công nghệ, Tin học để thay thế. Sắp tới, ngành tổ chức tuyển dụng bổ sung giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật để bảo đảm việc dạy học trong nhà trường.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng đội ngũ, bên cạnh việc tập huấn, đào tạo, ngành khuyến khích giáo viên tăng cường tự học, bồi dưỡng. Đến thời điểm này, giáo viên các trường đã đủ năng lực, kiến thức, phương pháp và tư duy sẵn sàng thực hiện Chương trình GDPT 2018.