Tài chính là vấn đề đau đầu nhất của các trường đại học Việt Nam trên lộ trình tự chủ.

Thống kê cho thấy nếu như năm 2015, nguồn thu của trường từ ngân sách ở mức 25,5 - 28,7% thì đến nay chỉ còn 2,6 - 6,1%. Trong khi đó, nguồn thu từ học phí, lệ phí tăng lên đáng kể, từ 53,5 - 59,7% lên mức 69 - 75,5%. Tuy nhiên, tăng học phí tác động trực tiếp đến người học, gây bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Vì thế làm thế nào để đa dạng nguồn thu, giảm bớt lệ thuộc vào học phí là bài toán tài chính mà nhiều trường luôn nỗ lực giải.

Ở các nước tiên tiến, thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn thu của một đại học. Còn ở Việt Nam, nguồn thu này chiếm tỷ trọng rất mỏng. Thế nhưng đây lại là lĩnh vực mà hệ thống giáo dục đại học nước ta đang kỳ vọng, vì có cơ sở để phát triển.

Thực tế cho thấy chính sách của Nhà nước ngày càng khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để liên kết trường đại học và các doanh nghiệp, phát triển thị trường khoa học công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nhiều luật, nghị định liên quan đến vấn đề này như: Luật Khoa học công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ… đã tạo ra hành lang pháp lý phù hợp để thúc đẩy mối liên kết.

Bên cạnh đó, đa số trường đại học cũng hình thành thói quen chủ động hợp tác với địa phương, doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Nhiều trường có doanh thu ấn tượng từ hoạt động chuyển giao. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) đã thực hiện 5.594 hợp đồng trong giai đoạn 2012 - 2021, doanh thu chuyển giao công nghệ từ năm 2015 tới nay đều vượt mức 100 tỷ đồng/năm.

Ước tính thu từ NCKH, chuyển giao chiếm 10 - 15% tổng nguồn thu. Ở Trường ĐH Công Nghiệp TPHCM, chỉ riêng sản phẩm máy cắt vớt lục bình đã mang lại doanh thu lớn nhờ thương mại hóa rộng rãi, khi giá mỗi máy dao động từ 3 đến 5 tỷ đồng, phí đào tạo cũng 100 triệu đồng.

Tỷ trọng nguồn thu từ NCKH, chuyển giao công nghệ có thể khả quan hơn nếu như các rào cản, vướng mắc trong lĩnh vực này được tháo gỡ. Thực tế cho thấy, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với chuyển giao công nghệ từ các trường đại học, vì công nghệ chủ yếu mới chỉ áp dụng trong quy mô phòng thí nghiệm, chưa được hoàn chỉnh, đưa vào thực tế gặp khá nhiều sai sót cần thay đổi.

Khâu định giá sản phẩm – công nghệ muốn chuyển giao chưa có cơ chế rõ ràng, quy định phân chia lợi nhuận chưa thống nhất, đặc biệt khi kết quả NCKH cần phát triển thêm để phù hợp với nhu cầu thực tế. Các trường đại học công lập thường phải chịu nhiều khung quản lý khác nhau, đặc biệt là vấn đề tài chính, trong khi doanh nghiệp lại không muốn liên quan đến những thủ tục hành chính rắc rối, có thể ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư.

Bên cạnh đó, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh; công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ NCKH dựa trên những giá trị đóng góp nổi bật hiện chưa đủ sức động viên...

Tăng doanh thu NCKH, chuyển giao công nghệ đòi hỏi nỗ lực trước hết từ phía nhà trường, doanh nghiệp, trong đó vai trò điều phối của Nhà nước hết sức quan trọng.

Cùng với việc rà soát, chỉnh sửa các chính sách hiện có, xây dựng chính sách mới để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, Nhà nước cần đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách theo hướng chi theo “đặt hàng” đại học để triển khai chương trình, đề án nghiên cứu.

Có như thế, nguồn thu từ NCKH, chuyển giao công nghệ mới được cải thiện, giảm gánh nặng học phí, thúc đẩy xây dựng các trường đại học theo định hướng nghiên cứu, góp phần phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở cơ chế