Còn đó những băn khoăn
Tại tỉnh Ninh Bình, Sở GD&ĐT cũng thông báo từ ngày 12/4, trẻ mầm non trên toàn tỉnh sẽ trở lại trường học trực tiếp. Cô Trần Thị Thoa – đại diện Trường Mầm non Happy School (TP Ninh Bình) - chia sẻ: Nhận được thông tin này, cô trò đều cảm thấy phấn khởi. Từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, nhà trường chỉ được dạy học trực tiếp trong trọn vẹn học kỳ I. Phải tạm thời đóng cửa nên nhà trường gặp muôn vàn khó khăn. Giáo viên không có thu nhập nên có một bộ phận chuyển sang làm nghề khác. Các cô kiên trì bám nghề thì nguồn thu không ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình.
“Toàn trường có hơn 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên và khoảng 200 trẻ đang theo học. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát để các hoạt động giáo dục trên lớp không bị ngắt quãng. Lãnh đạo các cấp cũng cần có phương án linh hoạt để tránh tình trạng các trường tư thục dù đầu tư rất nhiều trang thiết bị nhưng phải đóng cửa, trong khi nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh lại lớn. Có người có thể cho con về quê gửi ông bà, nhưng cũng không ít gia đình do bận đi làm không có người trông con nên bắt buộc phải đi gửi… chui”, cô Trần Thị Thoa bày tỏ.
Bà Đường Thị Lệ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) - thông tin, hiện toàn quận có 73 trường mầm non, khoảng 270 nhóm lớp mầm non tư thục. Các cơ sở sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn phòng dịch và đội ngũ để đón trẻ. Đặc biệt, qua lấy ý kiến khảo sát, có hơn 80% phụ huynh đồng ý cho trẻ trở lại trường học. Dự báo trong những ngày tới, con số này sẽ còn tăng cao. Khi mở cửa trở lại, bên cạnh việc lựa chọn nội dung kiến thức cơ bản đối với kiến thức, kỹ năng để chạy đua với thời gian nhưng không gây áp lực cho trẻ. Hiệu trưởng các trường và chủ các nhóm lớp cần phát huy tâm huyết, sáng tạo của nhà giáo để xây dựng trường học theo hướng chú trọng kỹ năng sống cho tuổi mầm non.