Trên thực tế, Bộ Công an đã chủ trì đàm phán 3 thỏa thuận về nhận trở lại công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú với Mỹ, Úc và Pháp đáp ứng các yêu cầu về chính trị, đối ngoại.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên nội dung này như dự thảo Luật do Chính phủ trình, đồng thời có chỉnh lý kỹ thuật văn bản cho phù hợp.
Về mở rộng các nước có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, ông Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến nhất trí quy định mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ; đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử.
Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo bổ sung vào tài liệu gửi Quốc hội dự thảo nghị quyết về danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.
Ngay sau khi luật được thông qua và có hiệu lực, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để kịp thời triển khai trong thực tiễn.
Về nâng thời gian cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu từ 15 ngày lên 45 ngày, nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo luật; một số ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ của quy định 45 ngày; đề nghị tăng lên 60 hoặc 90 ngày.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày là đạt mức trung bình trong khu vực, qua đó, sẽ nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam trong thu hút du khách; tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo luật do Chính phủ trình.