Mỗi học sinh là một ‘tai mắt’ trong tố giác tội phạm

Hà Hoàng | 22/04/2023, 06:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với sự linh hoạt, sáng tạo của riêng mình, Trường THPT Sông Mã đã có nhiều cách làm hay để rèn đạo đức, lối sống cho học sinh dân tộc thiểu số.

Tạo môi trường lành mạnh...

Năm học 2022 – 2023, Trường THPT Sông Mã (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) có 32 lớp học với tổng số 1.404 học sinh. Trong đó, học sinh dân tộc thiểu số có 922 em. Với quy mô trường học rộng, học sinh đông, nhà trường luôn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục và rèn luyện đạo đức lối sống cho các em.

Những năm qua, Trường THPT Sông Mã đã triển khai hiệu quả và đầy đủ các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện, ngành về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên và học sinh.

Nhà trường lựa chọn các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tích hợp vào hoạt động giảng dạy chính khóa các môn học; hay những buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp; các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, trải nghiệm sáng tạo… mang đến cho học sinh nhiều sân chơi bổ ích, hấp dẫn. Từ đó, tạo ra môi trường học tập an toàn, lành mạnh và hiệu quả cho các em yên tâm học tập và khẳng định bản thân.

Thầy Hoàng Văn Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Sông Mã cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người. Cùng với đó là cách thức phòng tránh, để các em nâng cao hiểu biết và không hút thuốc lá. Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiều buổi ngoại khoá, hướng dẫn các em về phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội đảm bảo an ninh trường học.

Mỗi học sinh là một ‘tai mắt’ trong tố giác tội phạm ảnh 1

Giáo dục đạo đức cho học sinh được lồng ghép trong nhiều hoạt động ngoại khóa.

“Ngoài công tác nâng cao chất lượng dạy và học, chúng tôi còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích tới học sinh.

Đối với một số em có nhà xa, phải thuê trọ để đến trường, chúng tôi đã phối hợp với tổ dân số 2 thị trấn Sông Mã, Công an thị trấn nắm bắt tình hình ăn ở, sinh hoạt của các em. Thực hiện kiểm tra tình hình ăn, ở, học tập, sinh hoạt của học sinh ngay từ đầu năm học và đầu kỳ II, đảm bảo an ninh trật tự khu vực học sinh ở trọ. Đồng thời giúp học sinh phòng tránh tội phạm mại dâm trên địa bàn huyện”, thầy Tùng cho hay.

Bên cạnh đó, Ban giám hiệu Trường THPT huyện Sông Mã đã chỉ đạo Đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm thực hiện kiểm tra đột xuất sinh hoạt của học sinh ở trọ. Trực tiếp thông báo với phụ huynh nếu học sinh có lối sống không lành mạnh, đặc biệt là việc liên quan đến ma túy, mại dâm, cờ bạc…

Tố giác tội phạm ...

Theo thầy Tùng, trong năm học 2022 – 2023, Ban giám hiệu nhà trường đã làm việc với UBND thị trấn và các xã: Huổi Một, Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong. Nội dung làm việc nhằm phối hợp quản lý, giáo dục đạo đức học sinh, tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý học sinh trước tình hình tội phạm xã hội phức tạp. Nhờ những cách làm thực tế này, các cán bộ, giáo viên, học sinh đã hưởng ứng và tích cực tham gia vào hoạt động tố giác tội phạm ma túy, mại dâm tại địa phương.

Để công tác giáo dục, đạo đức lối sống cho các em học đạt hiệu quả cao, Trường THPT huyện Sông Mã đã phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường. Chương trình phối hợp có tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, nói chuyện chuyên đề, viếng và thắp hương tri ân tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện.

Tổ chức tư vấn về giới tính, sức khỏe sinh sản, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn các biện pháp ứng xử văn hóa trong môi trường học đường. Đặc biệt, trong những năm gần đây nhà trường còn tổ chức, hướng dẫn, vận động, thu hút học sinh tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, học tập thông qua nhiều hoạt động thiết thực.

Mỗi học sinh là một ‘tai mắt’ trong tố giác tội phạm ảnh 2

Trường THPT Sông Mã xác định mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh đều là "tai", "mắt" trong đấu tranh tố giác tội phạm.

Em Lò Văn Toàn, học sinh Trường THPT Sông Mã cho biết: “Ngoài thời gian học tập các môn học trên lớp, chúng em còn được các thầy cô giáo quan tâm, hướng dẫn về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống. Vào các giờ sinh hoạt lớp và ngoại khoá, chúng em luôn được các thầy cô nhắc nhở phải rèn luyện đạo đức, lối sống để trở thành con ngoan trò giỏi, công dân tốt có ích cho xã hội”.

PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La nhận định: Thời gian qua, sở đã phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan đã định hướng phát triển các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục, thể thao, giáo dục thể chất, kết hợp với tuyên truyền về chuẩn mực đạo đức, lối sống, giáo dục lý tưởng cho học sinh trên địa bàn tỉnh.

Sở cũng chỉ đạo Ban giám hiệu các trường lồng ghép nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng trong quá trình triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; công tác gia đình với các mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình”; mô hình ‘‘Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống”.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn học giáo dục đạo đức tại các trường học. Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm nêu gương của cán bộ quản lý, nhà giáo về đạo đức, lối sống.

Đổi mới phương pháp đánh giá đạo đức, khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh. Triển khai công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, chỉ đạo xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, tạo môi trường lành mạnh và an toàn tại các trường học”, ông Hoàng cho biết thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỗi học sinh là một ‘tai mắt’ trong tố giác tội phạm