Tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ có lưu lượng xe rất lớn nên quá trình thi công hầm chui ít nhiều ảnh hưởng người dân. Vì vậy đơn vị thi công phải phối hợp chặt chẽ, bố trí lực lượng nhằm đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tối đa ùn tắc. Các bên liên quan cần chủ động kế hoạch, kịch bản nhằm xử lý các tình huống phát sinh, nhất là khi thành phố chuẩn bị đến mùa mưa sẽ ảnh hưởng thi công.
Cùng ngày, lãnh đạo Thành uỷ TP HCM cũng đi kiểm tra khu vực sắp tới sẽ triển khai dự án cầu - đường Nguyễn Khoái, nối quận 7, 4 và 1. Đây là công trình dự kiến được thành phố khởi công cuối năm nay, giúp mở thêm hướng kết nối từ khu trung tâm qua Nam Sài Gòn, giảm ùn tắc cho các trục đường hiện hữu như đường Nguyễn Hữu Thọ - cầu Kênh Tẻ, Nguyễn Tất Thành - cầu Khánh Hội...
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, dài gần 5 km, trong đó phần cầu khoảng 2,5 km, rộng 6,5-25,5 m; phần đường dài hơn 2,3 km, rộng 26,5-61,5 m. Công trình bắt đầu từ đường D1 (kết nối Đại Học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và khu dân cư Him Lam, quận 7), sau đó phần cầu chính vượt kênh Tẻ bằng cầu cạn theo đường Nguyễn Khoái. Cầu tiếp tục vượt rạch Bến Nghé nối vào đường Võ Văn Kiệt, quận 1.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, đây là dự án có ý nghĩa rất lớn ở thành phố, bởi khi hoàn thành ngoài kết nối giao thông còn là động lực phát triển kinh tế, xã hội cho khu vực. Công trình đi qua ba quận, quá trình triển khai có thể gặp nhiều thách thức, nên ông đề nghị chính quyền thành phố cùng các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, kiểm soát tiến độ từng đầu việc để đảm bảo kế hoạch.
"Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ tạo thay đổi lớn cho thành phố. Tiền đã có, người dân ủng hộ, kế hoạch đã lên, mọi thứ đã đâu vào đó nên chỉ còn bước hành động", ông Nên nói.