Chiến dịch góp 20.000 đôi giày thể thao xây một sân bóng rổ là một nỗ lực vì môi trường của thương hiệu Nike. Ảnh: Viable Earth
Tại Việt Nam, nhân viên phát triển bền vững là một công việc chỉ mới "manh nha" xuất hiện trên thị trường tuyển dụng thời gian gần đây. Công việc này có thể được mô tả bằng một vài chức danh như nhân viên phát triển bền vững, nhân viên ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp).
Cơ hội của người làm phát triển bền vững tại Việt Nam đang tập trung vào các ngành nông nghiệp, du lịch, bất động sản và F&B, cũng có nhiều cơ hội tại các tập đoàn đa quốc gia như Coca-Cola, Heineken...
Nhà tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên có chuyên môn trong ngành môi trường, sinh học, kinh tế, truyền thông báo chí và có quan tâm sâu sắc tới các vấn đề môi trường.
Phát triển bền vững là một công việc giàu tiềm năng phát triển, nhưng không dừng lại ở đó, đây được coi là một kỹ năng của tương lai!
Kỹ năng xanh (green skills) là những kiến thức, kỹ năng, giá trị và thái độ cần có để sống, phát triển và hỗ trợ một xã hội bền vững cũng như sử dụng tài nguyên hiệu quả. theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc. Nghĩa là những nhân sự có kiến thức và quan tâm đến môi trường sẽ được đánh giá là có kỹ năng xanh và gây ấn tượng tốt trong nhiều môi trường tuyển dụng.
Kỹ năng xanh được đánh giá cao trong nhiều môi trường tuyển dụng. Ảnh: Maryville University Online
Theo Báo cáo kỹ năng xanh toàn cầu năm 2022 của LinkedIn, tỷ lệ nhân sự có kỹ năng này tăng trưởng từ 9,6% năm 2015 lên 13,3% năm 2022. Các công việc đòi hỏi kỹ năng xanh cũng đã tăng 8%/năm trong suốt 5 năm qua. Chứng tỏ nhu cầu tuyển dụng nhân sự có kỹ năng xanh đang tăng rất mạnh và sẽ còn tăng mạnh hơn trong 5 năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, các công ty có trách nhiệm với môi trường cũng được cho là có hình ảnh tốt và thu hút được nhiều nhân tài hơn. Một khảo sát cho thấy có đến 3⁄4 lao động Gen Y sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn (khoảng 28%) để được làm việc trong các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường.
Con số này còn lớn hơn với Gen Z. Khoảng 60% lao động thế hệ Z tiết lộ họ tránh ứng tuyển vào các công ty có tác động tiêu cực đến môi trường, dự kiến đến 2025, thế hệ Z sẽ chiếm khoảng 27% lực lượng lao động toàn cầu.
Phát triển bền vững là một xu thế mới trên thị trường lao động, người lao động nắm bắt được xu thế này sẽ tự mở ra những cánh cửa cơ hội hấp dẫn cho bản thân.