Nên dùng tay sạch và khô cầm thuốc. Nên ngồi hoặc đứng uống thuốc, không nên nằm vì làm thuốc khó di chuyển xuống dạ.
Nên dùng tay sạch và khô cầm thuốc, ngồi hay đứng uống thuốc, không nên nằm vì làm thuốc khó di chuyển xuống dạ có thể dính lại ở thực quản. Có thuốc được hướng dẫn kỹ: “Nếu uống vào buổi tối trước khi đi ngủ, phải uống 30 phút trước khi lên giường nằm ngủ” (như thuốc trị loãng xương Actonel).
Nên uống thuốc với nhiều nước (đã có trường hợp bệnh nhân nuốt viên nang mà không uống nước, viên nang dính vào thực quản, thuốc phóng thích làm hại niêm mạc thực quản).
Nước dùng để uống thuốc nên là nước đun sôi để nguội (có thuốc kỵ uống với sữa như: Tatracylin, Doxycycline; Thuốc kỵ với nước quả chua: Erythromycin; Thuốc kỵ với nước trà: thuốc bổ có chứa sắt).
Đối với người cao tuổi dễ bị lầm lẫn nên có người thân trẻ tuổi giữ thuốc và đưa thuốc khi dùng.
Không nhai hay ngậm thuốc, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn. Không bẻ nhỏ viên thuốc (thuốc cho phép bẻ sẽ có khắc rãnh trên viên thuốc), không cà nhuyễn, không mở viên nang.
Nên hỏi dược sĩ ở nhà thuốc, nếu được phép chia nhỏ viên thuốc để chia liều theo chỉ định hoặc cho dễ uống, dùng khăn giấy sạch bọc viên thuốc để bẻ hoặc dùng dao khô, sạch để cắt.
Không nên ngưng, bỏ thuốc hoặc uống thêm thuốc khác khi chưa có ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.
Không nên lấy thuốc viên nén dành cho người lớn bẻ nhỏ ra để phân liều và sau đó cà nhuyễn (hoặc dùng dụng cụ nghiền thuốc) thành bột cho trẻ uống.
Đối với trẻ, dạng thuốc lỏng là thích hợp hơn cả, đó là sirô (sirop), hỗn dịch (còn gọi là dịch treo, suspension), thuốc uống nhỏ giọt (gouttes).
Hoặc cũng có thể dùng dạng thuốc bột đóng gói (sachets), thuốc cốm (granules), thuốc viên sủi bọt. Thực chất, các thuốc này được pha vào nước thành dung dịch trước khi uống. Đối với trẻ sơ sinh, còn có dạng thuốc thường được dùng là thuốc đạn đặt trong hậu môn.
Đặc biệt lưu ý với trẻ em: không nên để trẻ nằm ngửa hoàn toàn khi cho uống thuốc, nên nằm hơi dốc tạo góc 45độ so với mặt phẳng nằm ngang. Không nên bóp mũi trẻ để đổ thuốc.
Nếu trẻ bị ói mửa ngay sau khi uống thuốc, có thể cho uống liều khác thay thế liều mất đi do nôn. Nhưng nếu trẻ ói mửa sau 10 phút hoặc hơn sau khi uống thuốc, không nên cho uống liều bù thay thế vì thuốc có thể đã được hấp thụ. Nếu trẻ bị ói mửa nhiều, nên bảo cho bác sĩ biết để dùng dạng thuốc khác.