Cô Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong nhiều năm qua, trường đã duy trì tổ chức bữa ăn bán trú cho 100% trẻ đến lớp, đảm bảo cả về lượng và chất theo nhu cầu dinh dưỡng lứa tuổi. Trường thực hiện nghiêm khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ ký hợp đồng với cơ sở cung cấp tin cậy, uy tín; Thực hiện rõ nguồn gốc với tất cả đồ ăn, thức uống, không để xảy ra tình trạng trẻ ngộ độc. Thực đơn bữa ăn bán trú được nhà trường yêu cầu nhân viên cấp dưỡng xây dựng cân đối tỷ lệ dinh dưỡng khẩu phần, thực hiện đầy đủ quy trình lưu mẫu…
Bên cạnh đó, trẻ đến trường được khám định kỳ hàng năm và theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng; đảm bảo an toàn về thân thể và tinh thần, không bị xâm hại, không để xảy ra tai nạn thương tích trong quá trình chăm sóc, học tập, sinh hoạt tại trường.
Cô Hằng khẳng định, triển khai công tác y tế học đường dựa trên sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Do đó, trường thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức nuôi con theo khoa học, thực hiện 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý giai đoạn 2020 - 2025 tới phụ huynh và cộng đồng để hỗ trợ giáo viên, nhà trường làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe trẻ. Đồng thời, trường cũng đẩy mạnh phối hợp với trạm y tế địa phương khám định kỳ cho trẻ, tuyên truyền kiến thức y tế học đường đến các gia đình có con ở độ tuổi mầm non.
Trường Mầm non Trung Nghĩa, tỉnh Hưng Yên, đón trẻ đi học lại sau dịch Covid-19 năm 2022. Ảnh: NTCC |
Cô Trịnh Thị Chung Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân, (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho rằng muốn nâng cao hiệu quả công tác y tế trường học, cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục từ đó nâng cao nhận thức, vai trò y tế trường học trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh. Các gia đình có trẻ ở tuổi tới trường cũng cần nhận thức đầy đủ để phối hợp hiệu quả các kế hoạch, yêu cầu của y tế học đường.
Đối với đội ngũ kiêm nhiệm công tác y tế học đường, nhân viên y tế chuyên trách, phải thường xuyên học hỏi, cập nhật, trau dồi kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp qua tập huấn; đọc và nghiên cứu tài liệu; tham khảo tư vấn phụ huynh là bác sĩ ở các bệnh viện. Không thể thiếu nữa là “các trường cần đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo môi trường học tập song song sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí cho công tác y tế trường học…”, cô Chung Thủy khẳng định.
Không chỉ chú trọng vào công tác giảng dạy, nhiều phòng GD&ĐT các địa phương còn quan tâm đến công tác đảm bảo sức khỏe học đường, an toàn cho học sinh khi đến trường. Ông Ngô Văn Hiền – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) - cho biết: “Hai năm qua, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp với dịch Covid-19, bệnh đậu mùa, bệnh tay chân miệng... nên vai trò của y tế học đường càng phải phát huy…”.
Theo đó, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan luôn quan tâm đến công tác tập huấn, yêu cầu các trường học bố trí, sắp xếp phòng y tế đầy đủ thiết bị, thuốc men và người trực để đáp ứng nhu cầu sơ cứu tại chỗ khi có sự cố. Phòng cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục thiết lập Ban Phòng chống dịch bệnh trong nhà trường...
Hiện nay, 100% các trường thuộc huyện Văn Quan có nhân viên y tế học đường, tạo thuận lợi không nhỏ cho việc chăm sóc sức khỏe học đường. Cán bộ y tế thực hiện định kỳ việc cân, đo, khám sức khỏe cùng với quản lý, lưu dữ liệu thông tin sức khỏe trên hệ thống quản lý sức khỏe học sinh.
Căn cứ vào tình hình thực tế, các nhà trường chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh theo mùa; phối hợp với trạm y tế xã, thị trấn thực hiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên.
Đối với các trường tổ chức bếp ăn tập thể, Phòng GD&ĐT chỉ đạo nhà trường thực hiện nghiêm kiểm soát từ khâu lựa chọn thực phẩm đến chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn, lưu mẫu thức ăn đúng quy định.
Đặc biệt, Phòng luôn kiểm tra sát sao để có chỉ đạo phù hợp các trường trong việc tăng cường vệ sinh khuôn viên trường, lớp, phòng ăn, dụng cụ học tập; Tổ chức phun khử khuẩn trường lớp định kỳ để hạn chế bệnh truyền nhiễm. Với nhà vệ sinh trường học, yêu cầu các trường tích cực vệ sinh khử khuẩn, trang bị xà phòng sát khuẩn cho học sinh, nước sạch để rửa và quét dọn; xây dựng khẩu hiệu tuyên truyền các bước rửa tay; tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm hướng dẫn kỹ năng giữ gìn vệ sinh cá nhân, công cộng, kỹ năng sơ cứu khi gặp sự cố cho học sinh...
“Công tác y tế trường học, phòng tránh tai nạn thương tích… được hầu hết các nhà trường triển khai đa dạng về biện pháp. Nhiều trường còn tận dụng giờ ra chơi, để thầy cô lồng ghép nội dung giáo dục sức khỏe, y tế học đường giảm thương tích… trong các trò chơi dân gian được học sinh yêu thích. Tại các vị trí dễ gây tai nạn như hành lang, cầu thang luôn có biển cảnh báo và slogan nhắc nhở học sinh...”, ông Ngô Văn Hiền – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) trao đổi.