Giáo viên đứng lớp phải biên soạn bài giảng, hướng dẫn bài học phù hợp với nhóm đối tượng người học như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, nhóm dân cư vùng sâu, vùng xa. Thầy cô linh hoạt, sáng tạo trong các tiết dạy, ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải những bài học sinh động nhất thu hút học viên đến lớp - BGH Trường Tiểu học Khon Hin thông tin.
Với đặc thù là xã có hơn 99% người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Nhiều người mù chữ trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa không thể tham gia lớp học. Hay nhiều học viên tuổi đã cao không có nhu cầu học.
Theo đó, để thu hút học viên, Ban giám hiệu đã lựa chọn những giáo viên có kinh nghiệm trong giảng dạy, nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết tham gia đứng lớp.
Ngoài việc soạn bài giảng phù hợp, họ là những người nắm rõ, thông thuộc địa bàn; luôn đổi mới phương pháp dạy học gắn với nhu cầu ứng dụng trong cuộc sống; phân tích cho người dân hiểu biết đọc, viết sẽ biết đọc sách, báo, sử dụng điện thoại, tính toán làm ăn kinh doanh...
“Đặc biệt, các thầy cô này phải hiểu rõ tình hình công tác xoá mù chữ của địa phương, của bản mình phụ trách, từ đó tham mưu xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, thân thiện, gần gũi, có nhiều giải pháp để giúp đỡ học viên hoàn thành chương trình xoá mù chữ”, thầy Tuấn nói.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 tuổi từ 15-60 của cả nước lần lượt là 98,55% và 96,70%.
Giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động được 79.280 người ra học xoá mù chữ. Riêng 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã huy động được 53.965 người ra học (chiếm 68% trong tổng số người tham gia học xoá mù chữ của cả nước).
Trong đó có 33.344 người theo học lớp xoá mù giai đoạn 1 (với 27.890 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 86,2%) và 21.621 người theo học lớp xoá mù giai đoạn 2 (với 16.197 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 74,9%).