Xoắn khuẩn Treponema pallidum gây bệnh giang mai - Ảnh: EUROIMMUN
Giang mai dù "cũ" vẫn luôn là một bệnh nguy hiểm trong nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục, với các triệu chứng nghiêm trọng, có thể gây tử vong nếu không được điều trị đầy đủ.
Bệnh giang mai càng trở nên nguy hiểm nếu bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Nó có thể gây ra sẩy thai, thai chết lưu, tử vong sơ sinh, sinh non, thiếu cân, dị tật thai nhi bao gồm điếc hoặc mù.
Một số em bé có vẻ khỏe mạnh khi mới sinh nhưng nếu bị mắc giang mai bẩm sinh do lây truyền từ mẹ thì sẽ phải gánh chịu những hậu quả sức khỏe nặng nề suốt đời. Căn bệnh này nguy hiểm đến nỗi cũng giống như một số bệnh truyền nhiễm đặc biệt nghiêm trọng khác, chỉ 1 trường hợp mắc bệnh tại một khu vực đã được coi là vấn đề lớn.
Theo nhà chức trách Colorado, số trẻ sơ sinh mắc giang mai bẩm sinh đã tăng từ 4 lên 34 trong 5 năm qua, một con số rất lớn so với những nỗ lực hàng thế kỷ nhằm chống lại căn bệnh nguy hiểm này.
Điều này cũng phản ánh số người trưởng thành mắc giang mai là rất lớn. Theo thống kê sơ bộ, có tới 3.056 ca mắc giang mai ở Colorado vào năm 2022, tăng đột biến 33% so với năm trước đó.
Dữ liệu toàn quốc năm 2022 chưa được công bố, nhưng số ca bệnh năm 2021 trước đó đã tăng tới 32% so với năm 2020, đạt hơn 176.000 ca. Với độ nguy hiểm của căn bệnh, đó là một gánh nặng y tế khủng khiếp.
Trong đó giang mai bẩm sinh ảnh hưởng đến hơn 2.800 trẻ em ở Mỹ trong năm 2021, tăng gần 1/3 so với năm trước đó và là tỉ lệ cao nhất được ghi nhận trong gần 3 thập kỷ (kể từ 1993). Khoảng 220 trẻ trong số đó bị tử vong sơ sinh hoặc tử vong khi còn rất nhỏ.
Nguyên nhân đáng lo là tỉ lệ phụ nữ bị lây nhiễm căn bệnh này trong độ tuổi sinh sản đã tăng gấp đôi so với mức tăng nói chung ở mọi giới, mọi lứa tuổi.