Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai thúc giục Ottawa dừng kế hoạch áp thuế kỹ thuật số. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Canada, bà Chrystia Freeland nói rằng các quan chức của quốc gia Bắc Mỹ này vẫn đang đàm phán với những người đồng cấp trong Nhóm G7 của họ về một thỏa hiệp, theo đó các lợi ích của Canada “có thể được bảo vệ và công nhận”.
Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Anh và Ý, đã áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số trước khi các cuộc đàm phán do OECD dẫn đầu đi đến việc đảm bảo một thỏa thuận thuế toàn cầu. Thỏa thuận bao gồm việc tạm dừng các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số mới cho đến khi hiệp định có hiệu lực. Các loại thuế kỹ thuật số hiện có, chẳng hạn như ở châu Âu, vẫn đang được áp dụng nhưng sẽ bị thu hồi sau khi hiệp định có hiệu lực. Các quan chức Canada nói rằng thật không công bằng khi một số khu vực tài phán của châu Âu có thể thu thuế từ công ty mẹ của Facbook là Meta và công ty mẹ của Google là Alphabet nhưng Canada thì không.
Đại diện thương mại Mỹ coi thuế dịch vụ kỹ thuật số, như loại thuế được đề xuất ở Canada, là phân biệt đối xử và là gánh nặng đối với thương mại của Mỹ vì lĩnh vực này do các công ty Mỹ thống trị. Năm 2020, một kế hoạch áp thuế tương tự từ Pháp đã khiến chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2020 chuẩn bị áp thuế 25% đối với hàng xa xỉ của quốc gia châu Âu này. Mối đe dọa đã được phía Mỹ rút lại sau khi Pháp tham gia thỏa hiệp định thuế toàn cầu.
Cơ hội để các thỏa thuận thuế toàn cầu được chính thức áp dụng trên toàn thế giới vẫn còn rất mong manh. Tại Mỹ, các thành viên Quốc hội đang chia rẽ về vấn đề này, khi các đảng viên cấp cao của đảng Cộng hòa tại Hạ viện cảnh báo chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng hiệp định OECD có thể vi phạm các hiệp ước thuế của Mỹ bằng cách mở rộng thẩm quyền đánh thuế của các quốc gia khác.
Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng đang phản ứng tiêu cực trước việc Canada buộc các công ty công nghệ trả tiền cho tin tức. Ảnh: TAG24
Michael Plowgian, một quan chức thuế cấp cao tại Bộ Tài chính Mỹ, nói với Quốc hội rằng các quan chức chính quyền, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, đang nói chuyện với các đối tác Canada “để ngăn cản họ thực hiện một loại thuế dịch vụ kỹ thuật số mang tính phân biệt đối xử”.
“Canada đã bị cô lập về vấn đề này” trong các cuộc đàm phán thuế gần đây của OECD tại Paris, ông Plowgian cho biết trong buổi điều trần vào tháng 7 trước Ủy ban Cách thức và Phương tiện Hạ viện Mỹ. “Đối với vấn đề từ Canada, chúng tôi đang xem xét tất cả các lựa chọn và chúng tôi muốn hợp tác với Quốc hội để giải quyết vấn đề đó”.
Phản ứng từ nhiều phía
Đại diện của hai tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, Google và Meta đã đề cập đến những nhận xét trước đây từ các giám đốc điều hành của họ, trong đó họ bày tỏ sự ủng hộ đối với một thỏa thuận đa phương về xử lý thuế đối với các công ty công nghệ. Canada và hai công ty công nghệ hàng đầu này hiện đang tranh chấp về kế hoạch của Ottawa buộc họ phải bồi thường cho các tổ chức tin tức vì đã chia sẻ và sử dụng những nội dung tin tức trên các nền tảng của họ.
Goldy Hyder, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Canada, lo ngại những hệ lụy từ việc áp thuế dịch vụ kỹ thuật số. Ảnh: IM
Meta tuần này cho biết họ đã bắt đầu chặn quyền truy cập vào các liên kết tin tức đối với người dùng Canada trên Facebook và Instagram để đáp lại các biện pháp của Canada, vốn được biết đến cái tên Đạo luật Tin tức trực tuyến và đã được Thượng viện nước này thông qua hồi tháng 6.
Trở lại với kế hoạch áp thuế dịch vụ kỹ thuật số của Canada, hiện những người thúc đẩy Washington gây áp lực kinh tế đối với Ottawa là Phòng Thương mại Mỹ (USCC), nhóm vận động hành lang kinh doanh lớn nhất của đất nước. “Canada đã nói rằng họ muốn duy trì quy trình của OECD, nhưng những hành động gần đây của họ không chứng minh điều đó”, Neil Herrington, Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Mỹ của USCC cho biết. Ông Herrington tin rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số của Canada có nguy cơ làm suy yếu các cuộc đàm phán của OECD bằng cách thúc đẩy các quốc gia khác áp đặt các khoản thuế tương tự trước một thỏa thuận toàn cầu.
Ngay tại Canada, cũng có những tiếng nói lo ngại đang được phát đi. Ông Goldy Hyder, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Canada, cho biết Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland cần xem xét lại kế hoạch, đồng thời cảnh báo rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số có thể làm phức tạp nỗ lực thuyết phục Quốc hội Canada gia hạn “Hiệp ước thương mại Mỹ - Mexico - Canada” khi nó được các nhà lập pháp xem xét vào năm 2026.
Hyder, người dẫn đầu nhóm đại diện cho các giám đốc điều hành của những công ty lớn nhất Canada, nhấn mạnh rằng việc nước này áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số trong khi các quốc gia khác đồng ý trì hoãn thuế công nghệ toàn cầu có thể đem lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. “Đây không đơn thuần là vấn đề thuế, mà còn là về thương mại”, ông Hyder nhấn mạnh. “Chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng các khía cạnh của kế hoạch”.