Năm 2024, hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ khó lường

18/01/2024, 10:06
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mới đây, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã đưa ra những nhận định về tình hình thời tiết năm 2024 và nhìn lại thời tiết năm 2023.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2024, hiện tượng El Nino (pha nóng) sẽ còn duy trì đến hết mùa xuân, sau đó chuyển dần sang pha trung tính ENSO vào các tháng mùa hè. Vào các tháng cuối năm 2024, thời tiết có xu hướng chuyển dần sang pha La Nina (pha lạnh).

Với các pha thời tiết thay đổi liên tục trong một năm, dự báo năm 2024, tình hình thời tiết sẽ có nhiều biến động và các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ khó lường. Người dân cần theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai của cơ quan khí tượng.

Còn năm 2023, do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino (pha nóng) nên nhiệt độ mùa hè là thứ thay đổi rõ rệt nhất. Các hiện tượng thời tiết cực đoan khác có diễn ra nhưng với tần suất ít hơn hoặc xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Cùng nhìn lại các hiện tượng thời tiết cực đoan nổi bật đã diễn ra năm 2023:

Nắng nóng

Năm 2023, trên cả nước đã xuất hiện 20 đợt nắng nóng diện rộng. Tính từ năm 2017 đến nay thì đây là năm xuất hiện nhiều đợt nắng nóng diện rộng nhất và nhiều hơn 5 đợt so với TBNN. Đợt nắng nóng kéo dài nhất là 24 ngày ở Trung và Nam Trung Bộ (từ ngày 5-28/8).

Năm 2024, hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ khó lường - 1

Năm 2023 có mức nhiệt độ trung bình cao thứ 2 trong chuỗi số liệu quan trắc. Ảnh minh họa

Ngoài ra, trong đợt nắng nóng từ ngày 4-7/5, đã có 3 ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt (từ ngày 5-7/5) ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Bộ. Nhiều nơi có nhiệt độ cao nhất vượt giá trị lịch sử (GTLS) như: Hồi Xuân (Thanh Hóa) 44,1 độ C (GTLS: 41,7 độ C); Quỳ Châu (Nghệ An) 43,2 độ C (GTLS: 41,8 độ C); Tây Hiếu (Nghệ An) 43,3 độ C (GTLS: 42 độ C); Hương Sơn (Hà Tĩnh) 42,3 độ C (GTLS: 42 độ C); Tương Dương (Nghệ An) 44,2 độ C (GTLS: 42,7 độ C).

Trong đó, nhiệt độ 44,2 độ C đo được tại Tương Dương (Nghệ An) là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc (GTLS cũ là 43,4 độ C tại Hương Khê (Hà Tĩnh)).

Đáng chú ý, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc trong năm 2023 là 24,5 độ C, cao hơn TBNN là 1,09 độ C. Đây là năm có mức nhiệt độ trung bình cao thứ 2 trong chuỗi số liệu quan trắc. Năm 2019 là năm có nhiệt độ trung bình trên toàn quốc cao nhất với giá trị là 25,1 độ C, cao hơn TBNN là 1,21 độ C.

Đặc biệt, tháng 2, tháng 7, tháng 10 và tháng 11 năm 2023 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có nền nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 1,5-2 độ C so với TBNN. Riêng tháng 1/2023, nhiệt độ trung bình tại Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ thấp hơn 0,5-1 độ C so với TBNN cùng thời kỳ.

Bão và áp thấp nhiệt đới

Do ảnh hưởng của El Nino, trong năm 2023, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ít hơn so với TBNN. Tổng cộng đã có 5 cơn bão và 3 cơn áp thấp nhiệt đới xuất hiện (TBNN bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông là 11-13 cơn).

Mùa bão năm 2023 đến sớm hơn so với TBNN (5/5/2023) và kết thúc tương đương với TBNN. Đáng lưu ý, trong năm 2023, các cơn bão hầu như không đổ bộ trực tiếp nên không gây gió mạnh trong đất liền; riêng cơn bão số 1 đổ bộ vào khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 tại vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng.

Năm 2024, hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ khó lường - 2

Bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông xuất hiện ít hơn so với TBNN. Ảnh minh họa

Mưa lớn

Năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 22 đợt mưa lớn trên diện rộng, tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Trong đó, đáng lưu ý đợt mưa từ ngày 13-17/11 do ảnh hưởng của không khí lạnh (KKL) kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, khu vực Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; riêng khu vực Quảng Trị đến Bình Định có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa phổ biến 400-700mm; khu vực Thừa Thiên Huế có nơi trên 1.000mm như: Bạch Mã 1.924mm, Bình Điền 1.272mm, Xuân Lộc 1.310mm, Nam Đông 1.154mm... Đợt mưa lớn này đã gây ngập lụt trên diện rộng ở Thừa Thiên Huế.

Năm 2024, hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ khó lường - 3

Mưa lớn cực đoan xảy ra nhiều nơi ở miền Bắc và miền Trung trong năm 2023. Ảnh minh họa

Không khí lạnh

Trong năm 2023, đã xuất hiện 24 đợt không khí lạnh (KKL) xâm nhập xuống nước ta.

Điển hình là đợt gió mùa Đông Bắc ngày 16/12 và đợt KKL tăng cường ngày 19/12 đã gây ra một đợt rét đậm, rét hại diện rộng từ ngày 17-27/12/2023 tại khu vực Bắc Bộ, trong đó từ ngày 21-24/12 xảy ra rét đậm rét hại mở rộng đến khu vực Bắc Trung Bộ; nhiệt độ thấp nhất ngày từ 8-11 độ C, vùng núi từ 4-7 độ C, vùng núi cao có nơi thấp dưới 3 độ C.

Năm 2024, hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ khó lường - 4

Có 24 đợt không khí lạnh trong năm 2023 ảnh hưởng tới nước ta. Ảnh minh họa

Tại Mẫu Sơn vào ngày 22/12/2023, nhiệt độ thấp nhất đạt -2,5 độ C, đây được đánh giá là giá trị nhiệt độ thấp nhất trong cùng thời kỳ tháng 12 tính theo số liệu ghi nhận tại Mẫu Sơn từ năm 2012 đến 2023.

Cũng trong đợt này, trên Vịnh Bắc Bộ ghi nhận gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9. Sương muối, băng giá xảy cũng xảy ra tại một số nơi vùng núi phía Bắc.

Ngoài ra, đợt rét đậm vào ngày 16/1/2023, nhiệt độ thấp nhất ở một số nơi giảm xuống dưới 3 độ C như tại: Đồng Văn 2,6 độ C, Mẫu Sơn -0,1 độ C; tại đỉnh núi Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) xuất hiện băng giá.

Bài liên quan
Thời tiết nóng nực, làm gì để tránh ngộ độc thực phẩm?
Nắng nóng là điều kiện phát triển lý tưởng của vi khuẩn, người dân dễ mắc các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, trong đó có ngộ độc thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2024, hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ khó lường