Do testosterone thấp: cũng là tình trạng phổ biến nhưng thường không được chẩn đoán vì các triệu chứng khó nhận biết. Nếu mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, sẽ có nguy cơ cao gấp 2 lần bị giảm nồng độ testosterone so với người không mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, còn có 1 số yếu tố nguy cơ khác dẫn đến rối loạn cương dương ở người mắc đái tháo đường do thuốc điều trị, lối sống không lành mạnh, hút thuốc, thừa cân, lười vận động và cả yếu tố tâm lý… là nguyên nhân gây ra rối loạn cương.
Theo PGS. Hoài Bắc, hiện chưa có thống kê cụ thể tỷ lệ nam giới mắc rối loạn cương dương nhưng qua ghi nhận tại phòng khám cho thấy so với những năm trước, tỷ lệ này đang tăng dần và độ tuổi khám, điều trị vì rối loạn cương dương cũng ngày càng trẻ hóa.
"Nếu như trước đây tình trạng rối loạn cương thường là hậu quả của quá trình lão hóa chung của cơ thể chỉ gặp ở những người nam giới lớn tuổi (trên 45 tuổi), thì nay có những bệnh nhân còn rất trẻ dưới 40 tuổi kèm theo những bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…" - PGS. Hoài Bắc cho biết thêm.
Bác sĩ Đỗ Ích Định, khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, với người bệnh đái tháo đường, để không rơi vào tình trạng "trên bảo dưới không nghe", cần phải duy trì đường huyết ổn định thông qua chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc theo chỉ định; hoạt động thể chất điều độ mỗi ngày/mỗi tuần; thay đổi lối sống, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng; giảm cân nếu thừa cân.
Bên cạnh đó, nam giới mắc bệnh đái tháo đường cũng nên duy trì việc thăm khám sức khỏe định kỳ; thực hiện các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu (đánh giá lượng đường huyết), xét nghiệm hormone (đo lượng hormone testosterone và các hormone quan trọng khác), kiểm tra hệ thần kinh để xem xét các biểu hiện tổn thương,… Nếu không thì ngay cả nam giới trẻ mắc tiểu đường cũng vẫn bị rối loạn cương dương.