HVN liên tục sụt giảm trong thời gian qua khiến khoản đầu tư của Pyn Elite Fund bị ảnh hưởng.
"Cá mập" Pyn Elite Fund vừa báo cáo hiệu suất đầu tư tháng 7 với kết quả 0%. Đây là lần đầu tiên lịch sử của quỹ ghi nhận mức hiệu suất 0%. Từ đầu năm đến nay hiệu suất của quỹ vẫn tăng 13,14%.
Mức hiệu suất 0% trong tháng 7 chủ yếu do cổ phiếu nắm giữ lớn trong danh mục của Pyn Elite là HVN ghi nhận khoản lỗ 36%. Ngoài ra còn có DXS lỗ 17,4%; DNSE lỗ 14,7% tuy nhiên được bù đắp nhờ khoản đầu tư vào HDB với mức lãi 19,1%; PLX lãi 12,2%; MBB lãi 9,9%.
Khoản lỗ khi đầu tư HVN khiến "cá mập" Pyn Elite Fund "hòa vốn" trong tháng 7
Trước đó đầu tháng 7, quỹ từng đánh giá cao HVN. Theo Pyn Elite Fund, Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia của Việt Nam, trong đó nhà nước sở hữu hơn 86%. Chính phủ vừa chấp nhận kế hoạch cho HVN được gia hạn thêm 3 năm với điều khoản vay ưu đãi 160 triệu USD do nhà nước bảo lãnh.
HVN là hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, có nhiều công ty con trong chuỗi giá trị của ngành, và họ sẵn sàng bán với giá tốt để giảm bớt các khoản lỗ tích lũy.
Trên thị trường, phiên giao dịch hôm nay, HVN giảm 4,51%, chỉ còn 19.050 đồng/cổ phiếu. Phiên hôm qua, cổ phiếu này lau sàn.
Với phiên giảm ngày hôm nay, HVN là một trong những cổ phiếu "tội đồ" góp phần đẩy lùi đà tăng của Vn-Index. Đứng sau VIC, HVN là cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực thứ hai đến thị trường, lấy đi của VN-Index 0,45 điểm. Tuy nhiên, điều này không làm ảnh hưởng quá nhiều đến đà phục hồi mạnh mẽ của Vn-Index trong phiên hôm nay.
Ngay từ sáng sớm, sắc xanh trở lại lan rộng trên bảng điện tử giúp VN-Index nhanh chóng hồi phục. Điểm tựa của thị trường thuộc về bộ 3 gồm bank – chứng – thép khi sắc xanh bao phủ trên diện rộng đã giúp các nhóm ngành này trở thành nhóm tăng tốt nhất thị trường, đặc biệt là nhóm chứng khoán.
Thị trường hồi phục mạnh mẽ về cuối phiên nhờ lực kéo từ nhóm vốn hóa lớn. Với ba phiên hồi phục gần đây, thị trường đã lấy lại toàn bộ điểm số đã mất trong phiên đầu tuần.
Kết quả phiên giao dịch ngày 9/8, VN-Index tăng 15,32 điểm (1,27%) lên 1.223,64 điểm, HNX-Index tăng 2,65 điểm (1,17%) đạt 229,38 điểm, UPCoM-Index tăng 0,68 điểm (0,74%) lên 92,8 điểm.
Thị trường được thay màu áo xanh
Dòng tiền yếu ớt khiến thanh khoản lại quay đầu sụt giảm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 16,1 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn có 329 mã tăng và 86 mã giảm, 65 mã đứng giá.
Ngành công nghệ dẫn đầu đà tăng của thị trường. Ông lớn FPT tăng 4,53% lên 126.900 đồng/cổ phiếu và đóng góp gần 2 điểm vào VN-Index. Nổi bật là CKV và VLA tăng kịch trần.
Nhóm ngân hàng với các mã CTG, BID, VCB, MBB, TCB có mặt trong top 10 tác động tích cực vào thị trường với mức đóng góp tổng cộng 4,2 điểm.
Sau 4 phiên bán ròng liên tiếp, khối ngoại đã mua ròng với giá trị 56 tỷ đồng phiên hôm nay, trong đó khối này giải ngân 1.847 tỷ đồng và bán ra 1.791 tỷ đồng.
Những mã mua gom chủ yếu FPT 159 tỷ đồng, MWG 145 tỷ đồng, CTG 123 tỷ đồng, VCI 60 tỷ đồng, VNM 49 tỷ đồng,...
Trong tháng 8, các chuyên gia khuyến nghị quản trị rủi ro trung hạn được đặt lên hàng đầu. Việc giao dịch cổ phiếu trong các pha hồi phục kỹ thuật cần được cân nhắc kỹ lưỡng tại vùng hỗ trợ của VN-Index và cổ phiếu cụ thể, khi có tín hiệu cụ thể xác nhận hoàn thành mô hình giá.
Các nhịp giao dịch hồi phục trong pha điều chỉnh trung hạn, nhà đầu tư nên hạ thấp kỳ vọng lợi nhuận và tuân thủ cắt lỗ. Vùng hỗ trợ 1 (1.170 – 1.160 điểm) và hỗ trợ 2 (1.140 – 1.080 điểm) là vùng có thể giải ngân đầu tư trung hạn.
Các nhóm ngành nhà đầu tư nên quan sát đối với điểm mua trung hạn khi VN-Index điều chỉnh xong là ưu tiên doanh nghiệp đầu ngành có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh đều đặn, trong các ngành có tính phòng thủ như: năng lượng, y tế, hàng tiêu dùng thiết yếu, bán lẻ, hóa chất...