Nhìn nhận quy định của luật đang là trở ngại lớn cho không ít chủ đầu tư trong việc thực hiện xây dựng hạ tầng giáo dục, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động TPHCM (HOREAR) cho biết, trong văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi Luật Đất đai, HOREA có kiến nghị bổ sung quy định mới, cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được quyền đầu tư xây dựng công trình y tế, giáo dục, công viên vui chơi giải trí…
Còn tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, trong quý I/2023, quận đã đôn đốc chủ đầu tư triển khai việc xây dựng trường học tại các lô đất theo quy hoạch đã bị bỏ hoang nhiều năm. Bên cạnh đó, quận Hoàng Mai cũng sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tài chính đầu tư, cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học. Trong tương lai gần, quận sẽ dự kiến xây thêm trường mới cho năm học 2023 - 2024 để tăng số trường lớp mầm non để đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ.
Tại phiên họp giải trình về quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố diễn ra vào tháng 10/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nhận trách nhiệm và khẳng định có sự buông lỏng quản lý của các sở, ngành trong thời gian qua. Về các giải pháp cụ thể, ông Thanh cho biết đã chỉ đạo Sở GD&ĐT rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chỉ tiêu riêng về trường học cho quận Hoàng Mai và một số địa bàn có mật độ dân cư đông đúc.
Trước mắt, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT khẩn trương rà soát, thu hồi các lô đất dự án chậm triển khai để ưu tiên xây trường học, bệnh viện... Sở TN&MT Hà Nội đang cùng các quận, huyện vào cuộc. Kết quả, cơ quan chức năng đã rà soát được 130 dự án phải bàn giao với 314 lô đất, tổng diện tích là 249ha. Các quận, huyện có nhu cầu sử dụng các lô đất này để xây trường học cần báo cáo UBND thành phố để được bàn giao…
Về những giải pháp của Hà Nội để giải quyết tình trạng thiếu trường học trên địa bàn thành phố, ông Trương Việt Dũng - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP Hà Nội, cho hay, Văn phòng UBND thành phố đã tham mưu với các sở, ngành trình lãnh đạo UBND thành phố về khung tổng thể với nội dung khi xem xét các dự án có quy mô từ 2ha trở lên xây dựng trên địa bàn.
“Theo đó, với các dự án có quy mô từ 2ha trở lên, thành phố phải đặt ra điều kiện với các chủ đầu tư là xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trước sau đó mới được xây dựng nhà để bán”, ông Dũng cho biết.
TS Nguyễn Hữu Dũng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đánh giá, việc chủ đầu tư xây căn hộ để bán nhưng không xây trường học hiện xuất hiện rất nhiều. Theo ông Dũng đây là chiêu trò chủ đầu tư cố tình làm chứ không phải họ gặp khó khăn gì. “Khi lên phương án, khi trình kế hoạch để được phê duyệt, các chủ đầu tư đã tính toán kỹ lưỡng hết rồi nên không thể quy cho câu chuyện khó khăn thế này, khó khăn thế nọ. Mấu chốt là người ta không muốn làm do vẫn còn nhiều kẽ hở trong các quy định, luật để họ lách”, ông Dũng nhấn mạnh.
“Trong quy định có một kẽ hở đó là một dự án nhà ở khi đủ số lượng dân số đến ở nhất định thì chủ đầu tư mới phải xây dựng trường học, bệnh viện… Đây là quy định tạo điều kiện cho chủ đầu tư lách luật. Từ đó, quyền lợi của người dân bị chủ đầu tư xem nhẹ” – TS Dũng cho biết.
Về giải pháp, ông Dũng cho rằng các nhà làm luật cần đưa ra quy định tiền đặt cọc của người dân để mua dự án phải được đưa vào một tài khoản do ngân hàng đảm bảo, thậm chí là phong tỏa và chủ đầu tư chỉ được sử dụng khi đã hoàn thành hết nghĩa vụ với người mua cũng như thực hiện hết đề án đã được đưa ra.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động TPHCM (HOREAR) thì việc các cụm chung cư, cao ốc không xây trường là do đặc thù quỹ đất nhỏ, không thể “nhét” trường vào vì không phù hợp các quy định của các cơ quan hữu quan về diện tích. Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở... Chính việc Luật Nhà ở 2014 quy định vậy nên gần như các khu chung cư ngoài việc có nhà trẻ, trường mầm non tư nhân ra thì gần như vắng bóng hoàn toàn các khối trường học phổ thông.