'Nâng bước' đến trường cho học sinh vùng khó

Hà Nguyên | 17/04/2023, 17:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sự hỗ trợ của các CLB, đội nhóm và tình yêu thương, chăm chút của các thầy cô giáo đã giúp đường đến trường của học sinh vùng khó bớt gập ghềnh hơn.

Tiếp sức học sinh “đi học trên núi”

Bắt đầu từ năm học 2022 – 2023, CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng) triển khai Dự án “đi học trên núi”. Đây là chương trình hỗ trợ các em nhỏ mồ côi, đặc biệt khó khăn ở các vùng núi, giúp các em kéo dài việc học, không bỏ học giữa chừng.

Anh Nguyễn Bình Nam – Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau cho biết: “Ngoài xét hoàn cảnh gia đình thì học sinh tham gia đi học trên núi chỉ đáp ứng một điều kiện duy nhất là các em không được nghỉ học giữa chừng. Mỗi tháng, một học sinh sẽ nhận hỗ trợ 500.000 đồng/em và trao trong 12 tháng của năm. Số tiền này sẽ do các thầy cô giáo mua sắm giúp cho em những vật dụng cần thiết, hoặc thực phẩm, tùy vào từng hoàn cảnh gia đình hoặc nhu cầu của từng em”.

Như Pơ Loong Đạt (huyện Đông Giang, Quảng Nam) tháng nào cũng dành tiền học bổng để phụ giúp mẹ mua thuốc chữa bệnh. Mẹ của Đạt bị phù thận nặng, chỉ ở nhà không thể làm nương rẫy gì được, hàng tháng đều phải xuống bệnh viện huyện lấy thuốc nhưng tiền xe cũng không có.

'Nâng bước' đến trường cho học sinh vùng khó ảnh 1

Trao quà Tết và quà hỗ trợ hàng tháng cho học sinh tham gia dự án trong chương trình Gala Đi học trên núi của CLB Bạn thương nhau.

Danh sách học sinh các trường tham gia dự án đi học trên núi cần có sự giới thiệu bằng văn bản của Trường, có chữ ký và con dấu của Ban giám hiệu Nhà trường, kèm theo thông tin cụ thể về hoàn cảnh học sinh. “Đi học trên núi” hiện đang triển khai một số huyện miền núi tại Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam.

Dự án “đi học trên núi” hoạt động nhờ vào sự điều phối của các thành viên CLB Bạn thương nhau, hiện đang sống và làm việc tại TP Đà Nẵng. Dự án được vận hành với sự hỗ trợ của mạng lưới các thầy cô giáo tại các trường học. Hàng tháng các thầy cô sẽ nhận tiền từ dự án, và mua sắm quần áo, sách vở, vật dụng cần thiết, nhu yếu phẩm… trợ lực cho các em và gia đình, trao quà hàng tháng.

Dự án “đi học trên núi” không giới hạn số học sinh thụ hưởng. “Dự án kêu gọi, kết nối các mạnh thường quân hỗ trợ các em qua từng năm. Hiện đã có một số mạnh thường quân cam kết sẽ hỗ trợ các em lâu dài, cho đến khi các em hết cấp học. Tuy nhiên, số lượng học sinh thụ hưởng từ dự án phụ thuộc vào số lượng mạnh thường quân tham gia hỗ trợ qua từng năm. Dự án kỳ vọng các mạnh thường quân sẽ hỗ trợ lâu nhất có thể” – anh Nguyễn Bình Nam chia sẻ.

Chỉ sau một học kỳ triển khai, CLB Bạn thương nhau đã tổ chức Gala đi học trên núi để kết nối các tổ chức, cá nhân tham gia bảo trợ với các em học sinh và thầy cô giáo được “gần” lại với nhau. Nhiều học sinh và nhà hảo tâm đã rất xúc động khi nhận được thư của nhau. Các mạnh thường quân có thể thăm hỏi, hiểu rõ hơn về hoàn cảnh sống, thấu hiểu và cảm được cuộc sống của các em hơn, từ đó gắn bó hơn, tạo được sợi dây tình cảm giữa các bên và hỗ trợ lâu dài hơn cho các em.

'Nâng bước' đến trường cho học sinh vùng khó ảnh 2
Bữa cơm miền núi tại điểm trường Trăng - Tà Puồng (Quảng Trị).

CLB Bạn thương nhau đã duy trì mô hình "Bữa cơm vùng cao" từ năm 2014 cho đến nay. Hiện chương trình đang được triển khai tại 8 điểm trường vùng núi của Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi. “Đây là chương trình hỗ trợ thêm cho các bạn nhỏ vùng núi được có những bữa ăn tươm tất hơn, có chất hơn. Do có những em học sinh nhà rất khó khăn, đi học bọc cơm trắng theo trong những bao ni lông, đến lớp ăn trưa chỉ có muối, và rau rừng. “Bữa cơm miền núi” sẽ hỗ trợ các em có lát thịt lát cá bổ sung…” – anh Nguyễn Bình Nam thông tin.

“Bữa cơm miền núi” sẽ hỗ trợ đối với các điểm trường lẻ tại thôn bản hoặc các điểm trường mà học sinh chưa được hưởng chế độ từ địa phương, chưa có chế độ ăn trưa; hoặc có chế độ nhưng không đủ chi phí cho một bữa ăn đủ chất. Để tham gia chương trình, thầy cô đứng điểm tại điểm trường phải đồng ý tham gia nấu ăn, chăm lo các em và cam kết lo cho các em bữa ăn này. Các bữa ăn phải có hình ảnh báo cáo qua từng tuần.

Xã hội hóa nguồn lực xóa trường tạm, lớp tạm

Điểm trường Nước Ui (xã Trà Mai, Nam Trà My, Quảng Nam) là điểm trường đầu tiên được CLB Bạn thương nhau hỗ trợ xây dựng kiên cố từ nguồn vận động của các cá nhân. Anh Nguyễn Bình Nam kể: “Việc xây dựng điểm trường này là rất gian nan, bởi lúc đó giao thông còn rất khó khăn. Đây cũng là công trình đầu tiên trên núi nên anh em trong CLB chưa có kinh nghiệm, và cũng chưa biết trên núi như thế nào. Nhưng rồi, vượt qua khó khăn, điểm trường được khánh thành ngày 8/6/2013”.

'Nâng bước' đến trường cho học sinh vùng khó ảnh 3

Bà con địa phương hỗ trợ gùi gạch để xây dựng các điểm trường lẻ cùng CLB Bạn thương nhau.

Sau khi hỗ trợ xây dựng điểm trường Nước Ui, CLB Bạn thương nhau chuyển hẳn sang công việc kêu gọi xây trường ở những vùng núi khó khăn. “Chúng tôi nghĩ: chỉ có giáo dục, chỉ có con chữ mới giúp cho các em, bà con lâu bền nhất, chính các bạn nhỏ sẽ là người thay đổi vùng đất khó khăn đó ngày một vươn lên” – anh Nam cho biết.

Kinh nghiệm của CLB Bạn thương nhau trong huy động nguồn lực kiên cố hóa trường lớp là phải kêu gọi được nguồn kinh phí đủ lớn, vì xây dựng trường kiên cố. “Thời gian đầu, chúng tôi cũng bị vấn đề kinh phí vận chuyển làm cho đau đầu, bởi nó chiếm phần không nhỏ trong tổng kinh phí xây trường. Sau này khi có kinh nghiệm, chúng tôi bắt buộc phải tính luôn chi phí vận chuyển vật liệu. Thật ra, đây là số tiền mà chúng ta bồi dưỡng thêm cho bà con, người dân ở đấy tham gia vận chuyển vật liệu, chứ nếu tính tiền công sòng phẳng thì sẽ rất cao” – chủ nhiệm CLB chia sẻ.

'Nâng bước' đến trường cho học sinh vùng khó ảnh 4

Vận chuyển vật liệu xây dựng điểm trường Tắk Rối (lần thứ 2) từ nguồn kinh phí vận động của CLB Bạn thương nhau.

Một kinh nghiệm nữa trong xây trường ở vùng sâu, vùng xa là phải tạo được sự đồng thuận của chính quyền địa phương và bà con đồng bào ở đó, khi cần sẽ có sự hỗ trợ rất lớn từ lực lượng này. Ngoài ra, phải tìm được đội thợ thi công nhiệt huyết, bên cạnh hợp đồng chặt chẽ rõ ràng, thì cần phải có cái "Tâm" trong các công trình như thế này. Các thành viên của CLB phải thường xuyên bám công trình, để công trình thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

CLB Bạn thương nhau đã kết nối cộng đồng để xây dựng nên 16 điểm trường ở những vùng sâu vùng xa của Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trong đó có điểm trường Tắk Rối (Trà Tập, Quảng Nam), chúng tôi phải vận động kinh phí xây dựng lần thứ 2. Tháng 10/2020, thầy trò ở điểm trường phải học nhờ tại nhà dân sau cơn lũ quét kinh hoàng làm sập hẳn một phòng học. Một năm trước đó, điểm trường Tắk Rối đã được xây dựng kiên cố từ nguồn vận động với khoảng 570 triệu đồng của CLB Bạn thương nhau. Hồi sinh cho điểm trường Tắk Rối, CLB Bạn thương nhau đã kêu gọi được 600 triệu đồng từ các nguồn hỗ trợ. Thêm 200 triệu được một nhóm mạnh thường quân hỗ trợ thông qua Ban giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Nâng bước' đến trường cho học sinh vùng khó