Ngày 10/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo tham vấn giải pháp xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn khu đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại các địa bàn có khu công nghiệp, hiện có hơn 13.100 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có hơn 3.600 trường công lập, gần 1.800 trường ngoài công lập và hơn 7.700 cơ sở độc lập tư thục. Các cơ sở giáo dục mầm non ở khu vực này huy động được hơn 1,8 triệu trẻ em, trong đó khoảng 21,5% là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp.
Do đặc thù công nhân lao động tại các khu công nghiệp phần lớn là lao động trẻ nênnhu cầu gửi trẻ mầm non ngày càng tăng. Trong đó, các cơ sở mầm non độc lập tư thục với thời gian đón, trả trẻ linh hoạt, học phí phù hợp, vị trí gần nơi cư trú… là nơi gửi trẻ mà phần đông công nhân lựa chọn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận, giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp - nơi tập trung nhiều lao động vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Việc quy hoạch, phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp vẫn chưa theo kịp nhu cầu gửi trẻ của người lao động. Tỷ lệ trường mầm non công lập tại các địa bàn này chiếm 67%, nhưng phần lớn chưa phù hợp với giờ làm việc theo ca, kíp của công nhân. Một số trường lại xây dựng ở vị trí xa nơi cư trú của người lao động, bất tiện trong việc đưa đón trẻ mỗi ngày. Hệ thống trường mầm non còn hạn chế về khả năng tiếp nhận trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ (3 - 36 tháng tuổi), trong khi nhu cầu từ thực tế cao, đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ từ 12 - 24 tháng.
Tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp mới đạt khoảng 12%. Trong khi đó, chính sách xã hội hóa để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập còn chưa đủ mạnh. Thêm nữa, việc thực hiện chính sách đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động vẫn chưa đồng đều, chính sách chưa bao phủ được hết các đối tượng.
Chất và lượng đội ngũ giáo viên cũng còn nhiều vấn đề đặt ra. Cả nước còn trên 33.000 giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định. Chính sách về tiền lương đối với đội ngũ giáo viên mầm non chưa tương xứng dẫn tới nhiều người nghỉ việc, gây ra tình trạng giáo viên không ổn định, thiếu giáo viên.
Giải quyết các vấn đề bất cập đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu của Đề án là hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại các khu vực này, bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục có chất lượng cho trẻ em là con của công nhân, người lao động.
Nhiều chỉ tiêu quan trọng được đề cập đến trong đề án như đến năm 2030 phấn đấu 100% trẻ em từ 3-36 tháng tuổi là con công nhân, người lao động ở địa bàn có khu công nghiệp có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ giáo dục mầm non bảo đảm chất lượng; tăng thêm 20% trở lên cơ sở giáo dục mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp có tổ chức nhóm trẻ, trong đó ít nhất tăng 10% trường công lập có nhóm trẻ dưới 24 tháng; 100% cơ sở mầm non độc lập tư thục đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích…
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chichia sẻ, quá trình xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực giáo dục mầm non sẽ bám sát đúng cấp học, đúng địa bàn và đúng đối tượng thụ hưởng. Các cơ chế này phải được thiết kế một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn và có cơ chế giám sát rõ ràng. Việc phát triển các mô hình giáo dục mầm non tại khu vực đô thị, khu công nghiệp không chỉ là trách nhiệm của ngành Giáo dục, mà cần có sự chung tay của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp.