Nâng chất lượng giáo dục trẻ mầm non vùng khó cần chính sách ưu tiên

Vân Anh | 17/09/2022, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giáo dục mầm non vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được Chính phủ hỗ trợ nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục.

Giảm khó khăn cho những trường vùng khó

Theo bà Cù Thị Thủy- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT, trong năm học 2020-2021, tại những vùng khó khăn của cả nước có tổng cộng 3.605 trường mầm non, 9.356 điểm trường lẻ. Số cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn chiếm tỷ lệ 23% toàn quốc, trẻ em mầm non tại vùng khó khăn chiếm 20%.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển giáo dục vùng khó. Các chính sách cho trẻ em và giáo viên được ban hành giai đoạn vừa qua cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em ra lớp, đời sống của đội ngũ nhà giáo vùng khó khăn đã được quan tâm để giảm bớt một phần khó khăn, yên tâm công tác và gắn bó với nghề.

Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục mầm vùng khó khăn còn gặp rất nhiều khó khăn như mạng lưới trường mầm non mới chỉ thu hút được 54% trẻ em tới trường, còn 46% trẻ em chưa được tiếp cận giáo dục. Cơ sở vật chất đã được quan tâm, tuy nhiên mới có 54,6% phòng học kiên cố, tỷ lệ phòng học tạm, nhờ mượn còn cao.

Điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị tối thiểu, tài liệu, học liệu đồ dùng, đồ chơi tại vùng khó khăn còn thiếu thốn, môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học hạn chế, chưa đảm bảo các điều kiện để phát triển các lĩnh vực giáo dục cho trẻ, nhất là lĩnh vực phát triển ngôn ngữ và tăng cường khả năng tiếng Việt. Tình trạng thiếu phòng học, phòng học tạm, học nhờ còn nhiều.

Nhiều điểm lẻ chưa có đủ phòng học, còn phải mượn nhà sinh hoạt văn hóa của thôn buôn, của cộng đồng, nhà của dân để làm phòng học cho trẻ. Do đó, chưa đảm bảo các điều kiện về diện tích, nhà vệ sinh, chưa xây dựng được môi trường giáo dục, môi trường sư phạm theo quy định, môi trường tiếng Việt cho trẻ chưa được chú ý, đặc biệt các lớp lẻ cắm bản nhiều thuộc địa bàn các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Nhiều nơi, tại các điểm lẻ, chỉ có 1 giáo viên/lớp, giáo viên phải kiêm cả việc đón và trả trẻ tại nhà. Chính vì vậy, giáo viên thiếu thời gian để xây môi trường trong lớp học, tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ. Các vùng dân tộc thiểu số, miền núi do điều kiện địa lý, kinh tế xã hội không thuận lợi nên đội ngũ giáo viên thường không ổn định, thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển dụng.

Bên cạnh đó, chính sách tiền lương hỗ trợ cho giáo viên còn thấp so với đặc thù công việc và chưa công bằng so với cấp học phổ thông. Ở rất nhiều điểm bản, cũng không có nhà công vụ hay phòng cho giáo viên ở, trong khi đó nhà lại xa... Những vấn đề này tạo nên khó khăn, áp lực đối với đội ngũ giáo viên mầm non công tác tại khu vực miền núi, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số.

Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện văn bản dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030”. Đề án được xây dựng nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ giai đoạn 2021-2030 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng bền vững.

Khi triển khai thực hiện, Đề án sẽ hỗ trợ cho các cơ sở GDMN vùng khó khăn được bổ sung các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, chính sách đối với trẻ em và giáo viên, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em người DTTS được tiếp cận giáo dục, được chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền trên toàn quốc.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nang-chat-luong-giao-duc-tre-mam-non-vung-kho-can-chinh-sach-uu-tien-post608240.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nang-chat-luong-giao-duc-tre-mam-non-vung-kho-can-chinh-sach-uu-tien-post608240.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng chất lượng giáo dục trẻ mầm non vùng khó cần chính sách ưu tiên