Trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là 6,25 điểm (thấp hơn 0,16 điểm so với trung bình điểm thi của cả nước). Hà Tĩnh là địa phương trong Vùng nằm trong Top 10 địa phương điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước năm 2022.
Giáo dục mũi nhọn ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn vùng hiện có 17 trường chuyên và 1 khối THPT chuyên. Hệ thống trường chuyên đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Trong giai đoạn 2013 -2023, số học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia của Vùng là 5.645 học sinh (đạt 53,3% tổng số thí sinh tham dự, chiếm 23,3% tổng số giải trong cả nước) và 84 giải tại Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế (chiếm 23,3% tổng số giải của cả nước).
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tăng dần hằng năm và cao hơn so với bình quân của cả nước.
Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của Vùng là 55,04% (tăng 37% so với năm học 2010 - 2011), cao hơn 3,12% so với bình quân cả nước và đứng ba trong sáu vùng kinh tế - xã hội, sau vùng đồng bằng Sông Hồng (65,47%) và vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (57,97%).
Tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại khu vực tăng dần qua các năm. Trong đó, tổng chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 83,1% và tổng chi đầu tư chiếm 10,6% tổng chi ngân sách của Vùng dành cho giáo dục và đào tạo.
Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục phát huy có hiệu quả, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội, cộng đồng chăm lo cho giáo dục. Mạng lưới các cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển nhanh, đều khắp các địa phương.
Quy mô đào tạo đại học và sau đại học ổn định và tăng dần qua các năm. Toàn vùng hiện có 44 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 2 đại học vùng là Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế. Bình quân hằng năm, có hơn 31.000 sinh viên và hơn 2.400 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng. Tuy nhiên, phân bố của các cơ sở giáo dục đại học không đồng đều giữa các địa phương, tập trung chủ yếu tại các địa phương như: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An.
Chất lượng lao động của vùng ngày càng được cải thiện với tỷ lệ lao động có bằng cấp/chứng chỉ của vùng năm 2021 đạt 25,8%. Trong đó, tỷ lệ lao động lao động trong lĩnh vực kinh tế biển được đào tạo các trình độ đạt khoảng 68% (tăng 39,6% so với năm 2010). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của các vùng kinh tế - xã hội năm 2021, khu vực miền trung xếp thứ 3 cả nước sau đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ.
Giải pháp đột phá cho giáo dục Vùng
Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tiềm năng và lợi thế của vùng chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển. Phát triển văn hóa, xã hội vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu trong tình hình mới.
Hội nghị nhằm thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ hiện nay, trên cơ sở đó cùng nhau đề ra các giải pháp để phát triển. |
Thứ nhất, việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp ở một số nơi còn chưa thực sự hiệu quả, chưa đảm bảo môi trường học tập cho trẻ em, học sinh. Mạng lưới cơ sở giáo dục chưa đồng đều giữa các khu vực, cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng chưa bảo đảm thực sự công bằng đối với các nhóm yếu thế.
Do vùng có diện tích rộng, dân cư đông, nhiều khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Vì vậy, hạ tầng cơ sở vật chất vẫn còn 1.036 phòng học nhờ, mượn (chiếm 17,4% tổng số phòng học nhờ, mượn trên cả nước), tập trung chủ yếu tại cấp học Mầm non và Tiểu học.
Các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, học sinh các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tối thiểu. Trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập còn thiếu, nhiều thiết bị đã cũ, bị hỏng, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học.
Chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng và giữa các cơ sở giáo dục khu vực thành thị với khu vực nông thôn và miền núi. Quy mô đào tạo của một số cơ sở giáo dục đại học chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương, lợi thế của Vùng. Còn thiếu tính liên thông giữa các trình độ và các phương thức đào tạo. Tiềm năng nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học chưa được phát huy triệt để.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14 của Chính phủ, Bộ GDĐT đề ra mục tiêu đối với giáo dục vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ: Tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng.
Nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn ở Vinh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Nha Trang trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới, trong đó, Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Đến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của Vùng không ngừng được nâng cao; khoảng cách về chất lượng giáo dục, đào tạo giữa các địa phương dần được thu hẹp và tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt khoảng 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 35 - 40%.
Để triển khai thực hiện được các mục tiêu trên, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương tập trung triển khai 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về: quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục; về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo
Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh hoá đến Bình Thuận (trong đó, có 3 tiểu vùng là Bắc Trung Bộ (gồm: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và vùng Nam Trung Bộ (gồm: Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận).
Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Đây cũng là Vùng có nguồn lực to lớn về con người với dân số khoảng 20,34 triệu người, đứng thứ hai cả nước, chỉ sau vùng đồng bằng Sông Hồng. Trong đó có khoảng 50 dân tộc cùng sinh sống (chiếm 22,2% tổng số dân tộc thiểu số trong cả nước).
Những đặc thù về điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, con người… đã tạo nên bức tranh đa dạng, đa chiều của giáo dục vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Trong đó có những kết quả, thành tích nổi trội, phát huy truyền thống hiếu học, địa linh nhân kiệt của vùng. Tuy nhiên, nhiều chỉ số phát triển giáo dục vẫn đang thấp hơn mức trung bình của cả nước. Có những thách thức cần vượt qua, khó khăn cần tháo gỡ và tiềm năng cần được vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.