Để tận dụng lại số SGK lớp 6 học sinh đã sử dụng, theo cô Đinh Thị Gửi, Phó Bí thư Đoàn trường Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái), cuối năm giáo viên chủ nhiệm sẽ vận động phụ huynh ủng hộ hoặc bán lại cho nhà trường. Số SGK cũ sẽ được các phụ huynh khác mua lại theo với giá thấp; còn phụ huynh có sách bán lại cũng có thêm tiền để hỗ trợ việc mua SGK lớp 7 mới.
“SGK mới được in chất liệu tốt, màu sắc đẹp, nếu không tận dụng lại sẽ vô cùng lãng phí. Mặt khác, việc lựa chọn SGK mới ở các nhà trường hiện nay hầu hết đều liên thông nên hoàn toàn có thể tận dụng SGK cũ…”, cô Gửi bày tỏ.
Tránh lãng phí từ gia đình, nhà trường
Chị Nguyễn Thị Quỳnh có 2 con vào học lớp 5 và lớp 6 Trường THCS Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trao đổi: Giá SGK mới vừa được các nhà xuất bản công bố cao hơn so với giá SGK hiện hành. Song với gia đình ở thành phố chỉ có 1-2 con đi học thì mua 2 bộ SGK mới không khó khăn. Tuy nhiên, 2 con cách nhau 1 tuổi, lại học cùng trường nên 1 bộ SGK có thể tận dụng lại năm trước, năm sau.
“Đầu năm học, tôi dạy con ý thức giữ gìn SGK cẩn thận. Tuyệt đối không vẽ hay bôi bẩn lên sách, yêu cầu con bọc sách bằng bóng kính… Do đó 80% số sách có thể dùng tiếp. Một số sách bị hư thì mua lại nên kinh phí không đáng kể. Việc đăng ký mua 1 bộ hay vài quyển theo yêu cầu của gia đình với nhà trường cũng thuận lợi…”, chị Quỳnh chia sẻ.
Trường THCS Thống Nhất (Ba Đình, Hà Nội) có 365 học sinh, trong đó khối 6 với 84 học sinh đang học Chương trình, SGK mới, hàng năm trường có khoảng 20 học sinh thuộc diện khó khăn cần hỗ trợ sách. Do đó, tại Ngày hội đọc sách vừa diễn ra, trường đã cho học sinh khối 6 đăng ký tặng lại SGK. Với số sách có được, trường lựa ra những đầu sách còn tốt nhất để tặng lại cho học sinh khó khăn.
“Với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khi được trao tặng những bộ SGK miễn phí không chỉ thể hiện sự quan tâm về tinh thần mà còn hỗ trợ vật chất đáng kể đối với gia đình…”, cô Trần Thị Lan Hương, Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch.