Năng lượng để trưởng thành

26/06/2023, 07:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày thi Tốt nghiệp THPT của học sinh khối 12 đã cận kề. 

Hôm nay là buổi học cuối của đợt ôn “cấp tốc” trên trường của tôi tại lớp 12a4, cũng là lớp tôi chủ nhiệm.

Tôi bước vào tiết học với tâm trạng xốn xang. Đặt chiếc cặp quen thuộc lên bàn, tôi nghiêm trang đứng chào học sinh. Vẫn những ánh mắt ấy, vẫn những gương mặt ấy, sao hôm nay tôi thấy thân thương quá đỗi.

Nhẹ nhàng mời các em ngồi xuống, như thường lệ tôi cầm viên phấn viết lên bảng, trong lòng tôi cứ dâng lên cảm xúc lưu luyến của buổi chia tay. Tôi cố nén tâm trạng để giảng nốt những nội dung quan trọng. Những nội dung, tôi không chỉ giảng một lần và học sinh cũng không biết đã nghe bao nhiêu lần. Vậy mà hôm nay, học trò của tôi ngoan đến kỳ lạ. Bốn mươi đứa ngồi ngay ngắn, nghe từng lời tôi giảng. Ánh mắt hướng về phía tôi chăm chú.

Kìa thằng Đạt, ngồi cuối lớp. Mọi hôm, giờ này nó uể oải lắm mà. Nó là đứa chán học nhanh nhất lớp. Ngồi ngay ngắn để học cả buổi, với nó như cực hình. Kiểu gì nó cũng ngọ nguậy, quay ngang, quay dọc. Không khều bạn nọ, thì chọc bạn kia. Thế mà hôm nay nó vẫn ngồi im. Mắt luôn hướng lên bảng, ghi chép rất nghiêm túc.

Thằng Long, dãy ngoài bên trái, bàn ba. Giờ này lẽ ra nó phải gục lên gục xuống rồi chứ nhỉ? Nó là đứa hay ngủ gật trong lớp. Ban đầu tôi cũng gay gắt. Bắt viết cam kết hết lần này đến lần khác. Nhưng khi tôi biết nó ngủ gật vì đêm phải thay ca với mẹ, thức trông bố bệnh nặng đã lâu ngày thì tôi không còn mắng nữa. Tôi chỉ biết động viên nó cố lên.

Có hôm, trong tiết học tôi gọi nó dậy mà thương vô cùng. Tôi không nỡ, nhưng cũng không thể để học sinh ngủ trong lớp. Hôm nay, thấy nó cố chống lại cơn buồn ngủ mà tôi thấy thương. Nó đang tuổi ăn, tuổi ngủ. Đôi vai ấy đang gánh nhọc nhằn hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Trong thâm tâm, tôi thầm cảm phục nghị lực của nó.

Lại nhóm cái Huyền, cái Yến, cái Xuân, không một buổi học nào là chúng không lích rích ăn một thức quà gì đó. Khi thì ô mai, khi thì hướng dương. Nay quả cóc, mai quả ổi. Có hôm, biết mắng cũng không được, tôi bảo đem hết ra để tôi ăn cùng. Chúng thành thật lôi lên một gói to xoài xanh đã bổ thành miếng, không quên lôi luôn cả gói muối đang giấu dưới ngăn bàn. Bọn chúng bảo ăn trong lúc ra chơi không thú vị bằng ăn giấu giếm trong giờ học. Ồ! Sao hôm nay chúng cũng ngồi ngay ngắn thế kia. Chúng nhìn tôi âu yếm quá!

Tôi nhẹ nhàng đi xuống cuối lớp, những giọt mồ hồi lấm tấm trên trán học trò, ở vị trí này tôi thấy rõ lắm. Nếu chỉ đứng trên bục giảng, tôi không thể thấy những giọt nhọc nhằn này. Tôi nhẹ nhàng cầm khăn giấy trên tay thấm lên trán Hân, cô trò nhỏ nhắn đang cắm cúi viết. Hơi bất ngờ, Hân ngẩng lên, ngạc nhiên. Rồi như hiểu ra sự ân cần của tôi, trò xúc động, mắt chớp chớp. Cả lớp vẫn yên ắng, nghe rõ tiếng bút loạt soạt trên giấy.

Năng lượng để trưởng thành ảnh 1

Nhớ mãi những tháng năm học trò. Ảnh: NVCC

Tôi bước sang dãy bên phải. Bàn cuối cùng, chỉ mình Huy ngồi. Tôi nhẹ nhàng ngồi cạnh Huy. Huy là cậu học trò đặc biệt. Huy và gia đình viết đơn tự nguyện không thi Tốt nghiệp THPT. Em chỉ học để hoàn thiện hết chương trình lớp 12. Từ nhỏ, Huy bị khối u ở não, đã phẫu thuật, nhưng em phải dùng thuốc điều trị suốt đời. Lẽ ra, em có thể nghỉ từ khi tổng kết năm học. Nhưng Huy xin tôi cho em đi học hết đợt ôn. Tất nhiên, tôi đồng ý. Huy đi học rất đều, dù em chỉ đến để ngồi cùng các bạn. Được đến lớp gặp các bạn là niềm vui của em.

Tôi viết lên tập vở của Huy: “Buổi học cuối, em có buồn không?”. Huy đọc, rồi gật đầu. Em run rẩy viết: “Em rất nhớ cô, nhớ các bạn!”. Tôi nắm tay Huy siết chặt. Từ ngày mổ não, em giảm khả năng nói, viết cũng khó nhọc. Nhưng dòng chữ hôm nay em viết lại rất rõ ràng, như thể đã được nắn nót nhiều lần. Hôm trước, tôi gặp nói chuyện với bố Huy về sức khỏe của em, trong tôi luôn có dự cảm bất an.

Tôi bước lên bục giảng, biết chắc chắn, ánh mắt Huy vẫn đuổi theo mình. Khi quay xuống, tôi thấy Huy đang lấy tay quệt vội dòng nước mắt. Buổi cuối rồi cứ để Huy xúc động chút đi, tôi tự nhủ.

Thời gian làm bài kết thúc, tôi bắt đầu giải đáp thắc mắc. Học trò thấy tôi hôm nay lạ lắm. Tôi giảng, rồi dừng lại thật lâu như để nén cảm xúc, có lúc giọng tôi lạc hẳn đi. Học trò quen với hình ảnh tôi say sưa, miệt mài, thậm chí cáu, quát, thúc, giục để kích thích bộ não lười vận động của chúng. Hôm nay, tôi trầm lắng hẳn. Những cơn xúc động cứ chực dâng trào trong tôi.

Tôi nhìn đồng hồ. Tôi bắt đầu dặn dò. Tôi nói nhiều, chúc nhiều, nào là các em đã trưởng thành, các em hãy bước đi trên đôi chân của mình thật vững chắc. Hãy đem sức trẻ để lao động, học tập, cống hiến cho Tổ quốc. Nào là nỗ lực, phấn đấu đừng bao giờ nản chí…. Và năm nào cũng vậy, tôi chốt lại bằng câu thơ quen thuộc của Lưu Quang Vũ trong bài thơ “Phố ta” mà tôi đã đọc, đã giảng nhiều lần trong các giờ văn của tôi:

“Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa

Tại sao cây táo lại nở hoa

Sao rãnh nước trong veo đến thế?”

Tôi muốn truyền tải cái nhìn thấm đẫm mầu sắc lạc quan ấy đến học trò của mình. Hãy để “cây táo nở hoa” và “rãnh nước trong veo” chiếu ứng vào những tâm hồn tươi trẻ, đầy khát khao và yêu đời kia. Đừng để tâm hồn cằn cỗi các em nhé. Tâm hồn các em không bị cằn cỗi, các em mới có năng lượng để cống hiến, để ước mơ, để khát vọng…

Tiếng trống trường vang lên, ngắt lời tôi nói. Tôi cất giáo án. Giờ thì tôi sẽ bước ra cửa lớp. Tôi biết lớp trưởng sẽ đại diện đứng lên cảm ơn, nói lời chia tay. Tôi đã nghĩ như vậy. Và đúng là lớp trưởng đứng lên, nhưng không như tôi nghĩ, em xin phép tôi được hành động thay lời muốn nói. Em bước lên ôm lấy tôi: “Cô ơi, em cảm ơn cô!”.

Tôi không nén cảm xúc nữa, tôi cứ để nó tự nhiên. Mắt tôi đỏ hoe theo từng cái ôm của học trò. Lần lượt bốn mươi trò lên ôm tạm biệt tôi: “Cô ơi, em yêu cô! Cô ơi, cô đừng quên chúng em nhé, cô ơi.…”. Tôi cúi chào cả lớp, trả lại không gian riêng tư cho các em. Trò của tôi chưa muốn về. Ra cửa lớp, tôi vẫn còn nghe mấy đứa với theo: “Cô ơi, chúng em nhớ cô!”, “Cô ơi, tạm biệt cô!”…

Gần hai mươi năm gắn bó với nghề giáo, tôi đã có biết bao nhiêu buổi học cuối. Năm nào cũng xúc động, đầy lưu luyến, bịn rịn theo cách khác nhau. Buổi học cuối luôn đem đến cho tôi tình cảm trong veo, thánh thiện. Tôi ra muộn, sân trường vắng vẻ, tiếng ve râm ran quen thuộc. Góc sân, cây phượng già trổ hoa đỏ rực, nắng vàng như rót mật. Dưới tán cây, có hai cô cậu học trò còn dùng dằng chưa về. Áo trắng học sinh tô điểm cho bức tranh sân trường thêm sinh động.

Một chuyến đò nữa đi qua, tôi lại chuẩn bị hành trang để đưa chuyến đò kế tiếp. Tôi thầm cảm ơn những buổi học cuối. Các cung bậc cảm xúc trào dâng rất hồn nhiên, rất trong trẻo, rất chân thật của học trò đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, cho tôi cảm xúc tươi mới, không cằn cỗi, không bị chai lì, để tôi có đủ nhiệt huyết với những chuyến đò tương lai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năng lượng để trưởng thành