Theo Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Petteri Taalas, nhiệt độ cực đoan xuất phát từ biến đổi khí hậu “đang trở thành điều bình thường mới”.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, hơn 61.000 người thiệt mạng trong mùa hè nóng kỷ lục ở châu Âu năm 2022.
Một nhân tố khiến nhiệt độ năm 2023 tăng cao là hiện tượng El Nino.
El Nino thường xuất hiện với tần suất 2-7 năm, với biểu hiện là nhiệt độ nước biển bề mặt ấm hơn ở khu vực trung và đông Thái Bình dương, nơi gần xích đạo, và kéo dài từ 9-12 tháng.
Bắc Mỹ trải qua hàng loạt sự kiện khí tượng cực đoan trong mùa hè này, nhất là đợt cháy rừng nghiêm trọng ở Canada khiến không khí ô nhiễm lan sang Mỹ.
Vùng đông bắc Mỹ, nhất là bang Vermont, vừa hứng đợt mưa lớn khủng khiếp, gây lụt trên diện rộng.
Theo các nhà khoa học khí hậu, tình trạng ấm lên toàn cầu gây ra mưa lớn hơn và tần suất dày hơn.
Trong khi đó, người dân ở miền nam nước Mỹ vật vã với cái nóng dai dẳng suốt mấy tuần qua.
TS Daniel Swain, nhà khoa học khí hậu công tác tại ĐH California, cho biết nhiệt độ ở Thung lũng Chết đã lên gần mức cao nhất từng đo được trên Trái đất.
Kỷ lục mà WMO đo được là 56,7 độ C ở Thung lũng Chết, thuộc sa mạc nam California. Đó là mức ghi nhận được năm 1913, còn mức nhiệt ở thung lũng này năm 2020-2021 là 54,4 độ C.