Không chỉ trong các khung giờ cao điểm, ngã tư Vọng dễ rơi vào trạng thái ùn ứ khi có sự cố, như trời mưa, lượng lớn người điều khiển xe máy dừng đỗ để trú dưới gầm cầu vượt, và đặc biệt là khi có va chạm giao thông.
Anh Trần Minh Đăng, ở huyện Gia Lâm, bị mắc kẹt gần nửa tiếng đồng hồ buổi trưa tại ngã tư Vọng mới đây khi va chạm xảy ra do các phương tiện không tuân thủ đèn tín hiệu: "Theo mình nghiên cứu lại pha đèn, nếu như có thể thì để độ trễ giữa các pha lâu hơn một chút, đèn đỏ dừng một lúc thì mới cho đèn xanh đi. Giả sử ý thức có kém một chút, chưa đèn xanh đã đi, hoặc người đèn đỏ đi cố, trừ thời gian ý đi thì nó đỡ bị va chạm vào nhau".
Ngã tư Vọng là nút giao 3 tầng hiện đại, gồm đường cao tốc trên cao trục Đại La - Trường Chinh, cầu vượt trên đường Giải Phóng và các tuyến đường phía dưới quy mô từ 4 - 6 làn xe. Theo khảo sát của phóng viên, nút giao Vọng được tổ chức theo đèn tín hiệu, không có biển hạn chế phương tiện hay hướng di chuyển. Tổng chu kỳ đèn khoảng 160 giây, mỗi hướng có đèn đỏ khoảng trên dưới 100 giây, đèn xanh khoảng 20 giây, riêng hướng từ đường Trường Chinh sang Đại La được ưu tiên khoảng 60 giây đèn xanh.
Trao đổi với VOV Giao thông, Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 4, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, đường Vành đai 2 được hoàn thiện đã giúp tình hình giao thông tại ngã tư Vọng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra khi các phương tiện lưu thông từ đường cao tốc trên cao xuống nút giao có lưu lượng phương tiện lớn, vận tốc giảm và phải dừng chờ đèn tín hiệu. Đặc biệt, trong khung giờ buổi trưa từ 11h - 11h30 có 2 đoàn tàu di chuyển qua, dẫn tới ùn ứ và xung đột giao thông.
Trung tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Đội CSGT số 4 cho biết đã chủ động bố trí cán bộ, chiến sĩ phân luồng giao thông, giải quyết sự cố trong giờ cao điểm, đặc biệt là khung giờ tàu chạy: "Vào khung giờ cao điểm sáng và chiều thì đơn vị cử 2 đồng chí/ca, còn buổi trưa thì đơn vị giao tổ tuần tra, kiểm soát gồm 3 đồng chí. Qua công tác chỉ huy, điều khiển giao thông cũng như điều tra cơ bản nút giao thông Vọng, tổ chức giao thông hiện đang phù hợp. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục bố trí lực lượng nắm tình hình, giải quyết ùn tắc tại ngã tư Vọng, trên cơ sở thực tế sẽ kiến nghị các ban, ngành liên quan để điều chỉnh cho phù hợp".
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc tổ chức giao thông và phân luồng, điều tiết tại chỗ, để giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc tại ngã tư Vọng nói riêng và toàn tuyến đường Vành đai 2 nói chung cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông.
Theo Sở GTVT Hà Nội, việc mở rộng đường Láng và xây dựng đường Vành đai 2 trên cao đoạn ngã tư Sở - Cầu Giấy đã được nghiên cứu và đưa vào quy hoạch phát triển hạ tầng khung của thành phố. UBND TP. Hà Nội đang chỉ đạo các ban, ngành nghiên cứu, đề xuất phương án để triển khai trong tương lai.