Đây không phải lần đầu tiên những lo ngại về hiệu quả của bom JDAM ở Ukraine được nêu ra. Tháng 1 năm nay, Viện Dịch vụ thống nhất Hoàng gia Anh dẫn tài liệu tình báo rò rỉ của Mỹ cho biết, các quan chức đã bày tỏ lo ngại về việc Nga gây nhiễu toạ độ của JDAM.
Bom JDAM là một trong những vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Chúng có thể được phóng từ máy bay để tấn công mục tiêu cách xa hơn 70km. Giống như nhiều loại tên lửa tầm xa, JDAM dựa vào tọa độ GPS để tiếp cận mục tiêu.
Theo Defense Post, JDAM có tầm bắn lớn hơn pháo HIMAR mà Ukraine sử dụng để đẩy lùi lực lượng Nga trong đợt phản công năm ngoái.
Loại bom này cũng là một trong những vũ khí mà các đồng minh phương Tây của Ukraine hy vọng có thể giúp Kiev trong chiến dịch phản công đang diễn ra hiện nay, để giành lại những vùng đất ở phía nam và đông nam mà Nga đang kiểm soát.
Tuy nhiên, hệ thống phòng thủ của Nga chứng tỏ khả năng chống chịu tốt trước các loại vũ khí do phương Tây cung cấp. Các xe tăng phương Tây hầu như không hiệu quả trước những bãi mìn rộng khắp mà Nga tạo ra để bảo vệ vị trí của họ ở phía nam và phía đông Ukraine. Các chiến thuật tấn công của phương Tây cho đến nay vẫn chưa giúp Ukraine đạt được bước đột phá quyết định.
Để khắc phục, Ukraine đang tìm cách loại bỏ các đơn vị tác chiến điện tử của Nga trước khi nước này tiến hành tấn công bằng tên lửa, hoặc tấn công mục tiêu ngay sau khi phát hiện lực lượng Nga đang có nỗ lực chặn tọa độ tên lửa.