Clip: Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng nhìn từ trên cao
Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng với diện tích khoảng 23ha, nằm trên địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân (Hoàn Kiếm) và một phần nhỏ thuộc địa phận quận Long Biên.
Một số diện tích của khu vực này hiện đang được người dân phường Phúc Tân và phường Chương Dương sử dụng để canh tác hoa màu, chăn nuôi gia súc.
Nhiều hộ gia đình sống trong các căn nhà nổi trên sông. Các hộ dân này chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, buôn bán trên sông.
Xóm phao nằm giữa lòng sông Hồng là nơi cư ngụ của gần 30 hộ gia đình với hơn trăm nhân khẩu.
Bên cạnh đó, khu vực bãi giữa sông Hồng hiện nay cũng đang là không gian tập thể dục, vận động của người dân sinh sống trên địa bàn các quận Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình...
Các con đường ở bãi giữa phần lớn đều là tự phát, tạm bợ với mặt đường nhỏ hẹp và gồ ghề, 2 bên là hàng cây mọc um tùm, gây cảm giác bất an cho người qua lại, đặc biệt là vào ban đêm.
Để đến được bãi giữa, bãi bồi sông Hồng, người dân phải đi xuống bằng thang bộ của cầu Long Biên.
Nhiều quán nước phía dưới chân cầu mọc lên phục vụ cho người dân vui chơi khi xuống bãi giữa sông Hồng.
Vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên của bãi bồi ven sông Hồng nhìn từ trên cao
Cảnh quan tự nhiên xanh ngắt là một lợi thế lớn để phát triển nơi đây trở thành điểm đến ưa thích của Hà Nội.
Một "ốc đảo" giữa sông Hồng
Mới đây, UBND thành phố đồng thuận, cho phép 4 quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ tiếp tục nghiên cứu đề án "Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng", kinh phí từ ngân sách các quận.
Quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức nơi đây thành khu dịch vụ và khu vực thể thao, để làm nơi sinh hoạt cộng đồng gắn với không gian mặt nước, không gian nghệ thuật cộng đồng, không gian sáng tạo, với trọng tâm nhấn mạnh nội dung giá trị lịch sử, văn hóa sông Hồng.
Đối với công viên tại bãi giữa sông Hồng thuộc khu vực địa bàn 4 quận là Hoàn Kiếm, Long Biên, Tây Hồ, Ba Đình, phân đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì. Khu vực này định hướng phát triển các công viên cây xanh chuyên đề, nông nghiệp, du lịch, thu hút các hoạt động kinh tế phục vụ du lịch, dựa trên nguyên tắc phục hồi công viên tự nhiên, công viên đô thị, không gian công cộng phục vụ dân cư.