Nhằm làm giảm bớt gánh nặng tài chính về nhà ở cho người có thu nhập thấp, Luật Nhà ở năm 2014 quy định chủ đầu tư không được tính những ưu đãi của Nhà nước vào giá NOXH. Tuy nhiên, việc không kiểm soát chặt chẽ giá vốn đầu tư dẫn đến việc tách bạch phần ưu đãi của Nhà nước ra khỏi giá NOXH rất khó kiểm soát. Điều này dẫn đến tình trạng giá NOXH vẫn còn cao và vượt rất xa khả năng chi trả của người dân. Đây chính là rào cản lớn cản trở việc tiếp cận NOXH của những người có nguồn lực tài chính hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng việc chủ động xét đối tượng mua nhà của doanh nghiệp (DN) đang bị mất đi, mà việc can thiệp nhiều quá của luật, của thẩm định, thẩm tra tạo ra việc người nghèo - người giàu - người có điều kiện tranh nhau mua. Tạo sức hút cho NOXH thì phải quy hoạch rõ để DN tham gia nhiều hơn vào phát triển loại hình nhà ở này tạo ra nguồn cung nhiều hơn
DN không tham gia sẽ gây khan hiếm sản phẩm. Chính vì khan hiếm sản phẩm nên mỗi một lần có một dự án bung ra như dự án NOXH NHS Trung Văn mới tạo ra sự tranh chấp, giành giật suất mua như thế.
Trong khi đó ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM nói có 3 vấn đề thuộc tiêu chí "điều kiện về nhà ở" của đối tượng hưởng chính sách NOXH chưa chặt chẽ. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và điểm a khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách NOXH "phải chưa được hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở và nơi làm việc". Quy định này rất khó kiểm tra trong nhiều năm qua, nhất là đối với người thay đổi nơi làm việc nhiều lần, do chỉ quy định kiểm tra tiêu chí này tại nơi ở và nơi làm việc.
Ngoài ra, tại Điểm a khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và điểm a khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách NOXH "phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua NOXH" hoặc “có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà tối thiểu". Nếu một người nào đó muốn "lách" thì không khó khi họ để cho người thân khác đứng tên sở hữu nhà. Như vậy, "người đó" chứng minh được mình "chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình" hoặc "có nhà ở, nhưng ở chật".
Điểm a khoản 1 Điều 75 quy định diều kiện của đối tượng hưởng chính sách NOXH "phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua NOXH, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, làm việc" nhưng một người cũng có thể chuyển đổi nơi sinh sống, làm việc nhiều lần, nên cần phải được quy định chặt chẽ hơn.
Tiếp theo là nguyên nhân từ tiêu chí "điều kiện về thu nhập" của đối tượng hưởng chính sách NOXH. Điểm b khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và điểm b khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách NOXH "phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ nhà tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân". Quy định này có các "lỗ hổng" và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng "người giàu tranh suất mua NOXH" hoặc có "người giàu ở lẫn" trong các chung cư NOXH vừa qua.
Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ quy định các điều kiện để được mua, thuê mua NOXH và nới rộng điều kiện cho đối tượng được thuê NOXH để khuyến khích dịch chuyển lực lượng lao động và thu hút nhân tài… Nên mở rộng hơn, linh hoạt theo từng địa phương các đối tượng được mua NOXH. Khắc phục tình trạng trục lợi chính sách, và cần chính sách phù hợp, công khai, minh bạch.