Ngân hàng Nhà nước sắp ''bơm'' lượng tiền lớn vào thị trường

20/10/2023, 15:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong tuần này và tuần tới sẽ có tổng cộng 93.800 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn được Ngân hàng Nhà nước "bơm" trả hệ thống ngân hàng. Nhiều ngân hàng bắt đầu giảm mạnh lãi suất cho vay từ 5%/năm. Theo đó, tín dụng cuối năm có dấu hiệu tăng trưởng tích cực.

Dư nợ tín dụng của khối khách hàng cá nhân, trong đó, ghi nhận tăng trưởng 19% so với đầu năm đạt hơn 230 nghìn tỷ đồng, nhờ chiến lược đa phân khúc đón đầu xu hướng hồi phục của nền kinh tế trong các tháng cuối năm 2023. Số liệu thống kê trong quý III đã cho thấy các dấu hiệu khởi sắc với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước tăng trưởng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tăng trưởng tín dụng khả quan

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, đến cuối tháng 9, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 3.219 nghìn tỷ đồng, tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 9,27% so với thời điểm kết thúc năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.323 nghìn tỷ đồng, tăng 0,38% và tăng 10,85%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.896 nghìn tỷ đồng, tăng 0,33% và tăng 8,19%.

Dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 18,28% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 8,47%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,49%; cho vay xuất khẩu chiếm 8,63%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 7,56%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 6,63%.

Theo nhận định của các ngân hàng, lãi suất giảm là yếu tố để thúc đẩy tín dụng. Hiện, mặt bằng lãi suất đã trở về mức thấp trước COVID-19. Lãi suất huy động 12 tháng cao nhất hiện cũng chỉ còn 6,2%/năm. Dù vẫn cần thời gian để trung hòa giá vốn cho vay, nhưng nhiều ngân hàng đã chủ động đưa lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp về dưới 5%/năm; khách hàng cá nhân là 7-8%/năm, đồng thời tăng quy mô các gói tín dụng ưu đãi nhằm thu hút khách hàng.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng gần 13 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Trong đó, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung.

Việc tín dụng tăng trưởng liên tục phản ánh xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời phản ánh tác động và hiệu quả của chính sách tiền tệ tín dụng, cùng với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước trong suốt thời gian qua.

Lãi suất tiết kiệm "chạm đáy"

Theo khảo sát 30 ngân hàng trong hệ thống, lãi suất gửi tiết kiệm đang dao động quanh mức 4,5 – 6,5%/năm. Mức này giảm khá mạnh so với thời điểm đầu năm 2023, khi lãi suất huy động cao nhất phổ biến ở mức từ 9 - 10%/năm, thậm chí có ngân hàng còn niêm yết tới 12%/năm.

Lãi suất huy động của các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank hiện cao nhất chỉ là 5,3%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn từ 3 - 3,8%/năm; 6 tháng còn 4,7%/năm.

Tại nhóm ngân hàng cổ phần như ACB, Sacombank, VPBank..., lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng từ 5 - 5,7%/năm. Một số ngân hàng khác có mức lãi suất 6 tháng nhỉnh hơn như Nam A Bank, NCB, PVcomBank… từ 6 - 6,5%/năm.

Theo ([Tên nguồn])
https://www.24h.com.vn/kinh-doanh/ngan-hang-nha-nuoc-sap-bom-luong-tien-lon-vao-thi-truong-c161a1511717.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/kinh-doanh/ngan-hang-nha-nuoc-sap-bom-luong-tien-lon-vao-thi-truong-c161a1511717.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng Nhà nước sắp ''bơm'' lượng tiền lớn vào thị trường