Trong 5 ngày nghỉ lễ, tính từ ngày 30/4 đến ngày 4/5, ngành du lịch ước tính đón khoảng 10,5 triệu lượt khách, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo báo cáo từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, kỳ nghỉ lễ năm nay nhiều du khách đã ưu tiên hành trình “tour về nguồn” mang dấu ấn lịch sử. Bởi vậy, những điểm đến như khu vực Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội), ATK Tân Trào (Tuyên Quang), chiến trường Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thành cổ Quảng Trị (Quảng Trị), Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, địa đạo Củ Chi (TPHCM)… có lượng khách đông kỷ lục.
Số liệu thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, riêng tại TPHCM - điểm đến tổ chức đại lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có lượng khách tăng gấp đôi với 1.950 nghìn lượt khách, tăng 101,2% so với cùng kỳ năm 2024; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.138 tỷ đồng.
Tính trong vòng 15 ngày (từ ngày 20/4 - 4/5), khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí, đến xem lễ sơ duyệt, tổng duyệt… ước khoảng 2,7 triệu lượt. Khách quốc tế đến TPHCM ước khoảng 355 nghìn lượt; doanh thu đạt 15.707 tỷ đồng.
Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt khoảng 70% trên phạm vi toàn quốc. Trong những ngày đầu kỳ nghỉ lễ đạt trên 80%, trong đó có một số điểm đến ven biển và TPHCM đạt tỷ lệ 90 - 95%.
Sau TPHCM, ngành du lịch các địa phương cũng ghi nhận những con số ấn tượng, như: Thanh Hóa ước đón 1.600 nghìn lượt khách, tổng thu đạt 4.170 tỷ đồng; Quảng Ninh ước đón 1.135 nghìn lượt khách, tổng thu đạt 3.121 tỷ đồng; Khánh Hòa ước đón 1.005.160 lượt khách, tổng thu đạt 1.377,4 tỷ đồng;
Hà Nội ước đón 875.200 lượt khách, tổng thu đạt 3.150 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu ước đón 785.495 lượt khách, tổng thu trên 650,365 tỷ đồng; Ninh Bình ước đón trên 700 nghìn lượt khách, tổng thu trên 1.000 tỷ đồng; Đà Nẵng ước đón trên 610 nghìn lượt khách, tổng thu ước đạt trên 2.426 tỷ đồng...
Để đạt được những con số ấy, ngành du lịch các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động kích cầu du lịch trước thời gian nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và chuẩn bị cho cao điểm du lịch mùa Hè 2025. Trong đó, đặc biệt với các điểm nhấn chương trình: Ngày hội Du lịch TPHCM, Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội 2025 (VITM 2025), Quảng Nam - Miền xanh di sản, Tận hưởng Đà Nẵng - Đa trải nghiệm…
Bên cạnh việc làm mới các sản phẩm, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các địa phương cũng giới thiệu nhiều sản phẩm mới hấp dẫn như: Tuyên Quang ra mắt sản phẩm “Hành trình khám phá” tại Na Hang; Móng Cái (Quảng Ninh) công bố vùng vui chơi giải trí dưới nước tại Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ;
Lạng Sơn công bố chương trình du lịch 2 ngày, 1 đêm cho khách du lịch sử dụng giấy thông hành để xuất nhập cảnh giữa Lạng Sơn (Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc); Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) xây dựng 4 tour du lịch hành trình di sản; Bình Định tổ chức thử nghiệm chuyến tàu “Hành trình văn hóa về miền đất võ”; TPHCM ra mắt tour “Nam Kỳ lục tỉnh”…
Do thời gian nghỉ lễ dài, thời tiết nắng nóng nên phần lớn du khách lựa chọn những điểm du lịch biển như: Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Nha Trang, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang... hoặc vui chơi, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng có khoảng cách gần các thành phố lớn.
Đặc biệt tại Hà Nội, khu vực Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã thu hút đông đảo khách tham quan. Trong 5 ngày nghỉ lễ, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đón gần 148.000 lượt khách, trong đó có trên 1.000 lượt khách quốc tế.
Trong hai ngày 30/4 và 1/5, dòng người khắp mọi miền đất nước về viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong nước và quốc tế, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tặng 50 nghìn suất quà gồm nước uống, sữa và bánh.
Không chỉ làm mới các sản phẩm du lịch, việc vận chuyển hành khách cũng được tăng cường kết hợp nâng cấp phù hợp với thực tiễn. Ngoài việc tăng thêm các chuyến tàu từ Hà Nội đi Đà Nẵng, Đồng Hới, Hải Phòng, Lào Cai và ngược lại; từ TPHCM đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn.
Ngành đường sắt còn tổ chức chạy đôi tàu mang tên “Đoàn tàu Thống Nhất” với mong muốn lan toả niềm tự hào dân tộc, song song áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, trong đó giảm 40% giá vé đối với thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thân nhân người có công.
Các bến cảng thủy nội địa đã tăng thêm các chuyến tàu ra đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc… phục vụ khách du lịch và người dân dịp nghỉ lễ. Đặc biệt trong dịp nghỉ lễ, Quảng Ninh đã đón đoàn gần 1.700 du khách Nhật Bản đầu tiên tới Hạ Long bằng siêu du thuyền.
Kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày cùng với nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động, lễ hội được các địa phương, tổ chức đồng loạt nên hầu hết các điểm đến đã đón lượng khách nhiều hơn, thời gian lưu trú dài hơn, doanh thu tăng cao. Đáng lưu ý, số lượng khách quốc tế vẫn có đà tăng trưởng tốt dù đã qua mùa cao điểm. Giá phòng và các dịch vụ du lịch không có nhiều biến động.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, để đạt kết quả ấn tượng, công tác chuẩn bị phục vụ khách du lịch trong dịp nghỉ lễ được thực hiện từ sớm. Hầu hết các tỉnh thành đã chủ động xây dựng và triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra các trường hợp tai nạn, sự cố đáng tiếc. Đến thời điểm báo cáo chưa ghi nhận sự cố nghiêm trọng liên quan đến khách du lịch trên phạm vi toàn quốc.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, sự tăng trưởng về lượng khách, hoạt động du lịch diễn ra an toàn, bảo đảm chất lượng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2025 là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố: Kỳ nghỉ kéo dài đã tạo cơ hội cho người dân lên kế hoạch du lịch; sự kiện kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tạo sức hút mạnh mẽ, đặc biệt tại các điểm đến miền Nam; hạ tầng giao thông cải thiện giúp du khách di chuyển dễ dàng hơn; các địa phương, doanh nghiệp không ngừng đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.